Nỗ lực bình ổn giá cuối năm
Tại họp báo thường kỳ được tổ chức chiều 4-11, Bộ Công Thương đã trả lời báo chí về các vấn đề đang được dư luận quan tâm như: Việc bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết, về giá gas và giá xăng dầu, cùng với việc phản hồi về việc đồng loạt tăng giá cước 3G của 3 nhà mạng lớn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với việc chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 6,74% so với cùng kỳ, trong đó tháng 10 chỉ tăng 0,49% so với tháng trước, thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% là có khả năng thực hiện được.
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam |
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho thực phẩm tăng giá nhẹ trong thời gian qua là do bão lụt miền Trung. Từ nay đến cuối năm, khi tình hình khống chế tốt dịch bệnh và thời tiết thuận lợi thì khả năng tăng giá đột biến ở nhóm hàng nhu yếu phẩm là không xảy ra.
Trong tuần này, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các địa phương về việc triển khai bình ổn giá. Hiện nay, đã có 11 tỉnh triển khai bình ổn giá cuối năm với mức 850 tỷ đồng. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã thực hiện liên kết với Ngân hàng theo chính sách của Nhà nước để thực hiện bình ổn. Đây là điểm mới trong chỉ đạo điều hành năm nay về việc Nhà nước sẽ không hỗ trợ tiền, mà tạo ra chính sách, cơ chế liên kết giữa ngân hàng, nhà sản xuất và nhà phân phối để tạo ra chuỗi liên kết cân đối giữa tiền và hàng nhằm bình ổn giá.
Về vấn đề giá gas, ông Quyền cho rằng đây là mặt hàng tuân theo lộ trình cạnh tranh giữa thị trường trong nước và ngoài nước. Ông khẳng định, thị trường gas trong nước đang vận hành theo đúng cơ chế cạnh tranh và vấn đề hiện nay là kiểm soát để tránh gian lận, tiêu cực chứ không phải lo ngại về giá cả.
Về giá xăng dầu, ông Quyền cho biết, giá xăng hiện nay đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo Nghị định 84 đang áp dụng như hiện nay thì phần có khả năng điều chỉnh giá không được nhiều. Tuy nhiên, “bất cứ khi nào có đủ điều kiện giảm giá là giảm giá ngay. Đảm bảo cho giá xăng dầu trong nước đi theo đúng quỹ đạo so với thế giới và phục vụ cho mục tiêu kiềm chế lạm phát đảm bảo sản xuất, tiêu dùng”, ông Quyền nhấn mạnh.
Trả lời về việc đồng loạt tăng giá dịch vụ 3G của 3 nhà mạng lớn nhất hiện nay là Vinaphone, Mobiphone và Viettel, ông Nguyễn Phương Nam (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết: “Cục đã yêu cầu 3 doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh 97% thị phần cung cấp toàn bộ thông tin và báo cáo. Đây là vụ việc phức tạp liên quan đến luật pháp. Cục đang phối hợp chặt chẽ với Cục Viễn thông tiến hành xác minh sau đó sẽ báo cáo với Chính phủ để có bước tiếp theo trong quá trình điều tra và xử lý nếu có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật”.
(Theo chinhphu.vn)