Thứ Hai, 25/11/2013, 14:54 (GMT+7)
.

Thu hút đầu tư vùng ĐBSCL - còn đó nhiều việc phải làm

Trong những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn vùng  Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng và từng địa phương; góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư, tận dụng nguồn vốn trong và ngoài nước của khu vực ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

TỪ TẬN DỤNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, nguồn vốn ODA đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói, giảm nghèo của cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Gần 20 năm, từ năm 1993 - 2012, vùng ĐBSCL chỉ mới được các nhà tài trợ ký kết thông qua các Hiệp định tài trợ vốn ODA cho cả vùng, với tổng giá trị khoảng 3,95 tỷ USD, chiếm 6,77% so với tổng nguồn vốn ODA của cả nước.

Tổng giá trị thu hút vốn ODA thấp cùng với tiến độ giải ngân chậm, nên việc thực hiện nguồn vốn ODA lại càng khó khăn hơn. Lũy kế giải ngân đến hết quý II - 2013 của các tỉnh, thành phố thuộc Vùng ĐBSCL đối với các chương trình, dự án đang thực hiện đạt 186 triệu USD. Mức giải ngân này tương đối thấp do một số chương trình, dự án ODA mới ký năm 2012 và 2013.

Bên cạnh đó, mức giải ngân nguồn vốn ODA cũng không đồng đều giữa các tỉnh. Cụ thể giải ngân 6 tháng đầu năm 2013 bao gồm cả vốn ODA và vốn đối ứng tỉnh Hậu Giang đạt 93% kế hoạch năm, tỉnh Trà Vinh đạt 53% kế hoạch năm, tỉnh An Giang đạt 9% kế hoạch năm.

Năm 2013, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL được bố trí 1.993,4 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài 1.348,2 tỷ đồng, dự kiến giải ngân đến 31-12-2013 là 1.821,4 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài 1.239,97 tỷ đồng. Dự kiến sang năm 2014 vốn ODA cho vùng cũng còn thấp, một số chương trình, dự án ODA sẽ ký hiệp định do Hàn Quốc tài trợ cho các địa phương vùng ĐBSCL, gồm dự án cấp nước tỉnh Trà Vinh trị giá 25,5 triệu USD; dự án Bệnh viện Đa khoa Bến Tre trị giá 50 triệu USD.

Một góc KCN Mỹ Tho.
Một góc KCN Mỹ Tho.

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 9 năm 2013 trên địa bàn vùng ĐBSCL đã có 802 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 11 tỷ USD, chiếm 5% về số dự án và 2,2% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước..

Đứng đầu toàn vùng là tỉnh Long An với 480 dự án, tổng vốn đầu tư là 3,7 tỷ USD, chiếm 49% tổng số dự án và 36% tổng vốn đầu tư đăng ký của vùng. Tiếp đến là Tiền Giang có 55 dự án, tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số dự án và 11,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của vùng. Đứng thứ 3 là Bến Tre, thu hút 33 dự án với tổng vốn đầu tư 307 triệu USD, chiếm 2,8% số dự án và 4% tổng vốn đầu tư đăng ký của vùng. Riêng trong 9 tháng năm 2013, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thu hút được 45 dự án với 269 triệu USD, chiếm 5,1% về số dự án và 3% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước.

ĐẾN THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO KCN

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện toàn vùng ĐBSCL có 50 Khu công nghiệp (KCN) đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 11.795 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê theo quy hoạch là 8.425 ha, đất công nghiệp đã cho thuê 3.101 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình 37%, đây là tỷ lệ tương đối thấp so với mức trung bình của cả nước là 57%.

Số KCN có tỷ lệ lấp đầy nằm tại tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Long An là địa phương dẫn đầu Vùng ĐBSCL với 25 KCN đang có nhà đầu tư, với tổng diện tích thực tế 9.504 ha (trong đó 23 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích 6.806ha, có 19 KCN đã được cấp quyết định thành lập với diện tích 5.753,3 ha, có 16 KCN đi vào hoạt động ổn định, tỷ lệ lấp đầy chiếm 42,9%).

Trong 7 tháng đầu năm 2013, các KCN thuộc vùng ĐBSCL thu hút được 353 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 3,5 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 200 ngàn lao động. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL có 3 Khu kinh tế là: Định An (Trà Vinh), Năm Căn (Cà Mau) và Phú Quốc (Kiên Giang) với tổng diện tích 4.374 ha, hiện cả 3 Khu Kinh tế vẫn đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tính đến tháng 7-2013, các khu kinh tế này đã thu hút được 22 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 2 tỷ USD, vốn thực hiện 37 triệu USD, tạo việc làm cho 43.894 lao động.

HY VỌNG TỪ  MDEC

Theo nhận định của các chuyên gia, vùng ĐBSCL còn khó khăn về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật cao, các chuyên gia đầu ngành còn thấp và thiếu. Các mặt hàng chiến lược của vùng ĐBSCL là lúa và thủy sản đang tiêu thụ hết sức khó khăn; kinh tế phát triển chưa bền vững, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chưa ổn định.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chưa ổn định, sức cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực chưa cao. Công nghiệp còn dựa chủ yếu vào ngành Công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ hoặc từ các tỉnh lân cận như công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng...

Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế. Số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động cao đã phản ánh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, doanh thu dịch vụ và tiêu dùng xã hội tăng trưởng thấp (bằng 50% mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2012)...

“Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp vùng tại MDEC năm nay, các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương trong vùng, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư quốc tế sẽ trao đổi, tìm giải pháp hữu hiệu để đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng; tăng cường liên kết vùng.

Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị này, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong nước tìm hiểu, xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm của vùng, gồm 138 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 400 ngàn tỷ đồng và 2 tỷ USD” - ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013 cho biết.

BÍCH LIÊN

.
.
.