Tìm hướng đi cho liên kết giữa ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh
Sau 12 năm liên kết giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ, chẳng hạn: Số dự án và vốn đăng ký đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh tại các tỉnh, thành ĐBSCL chưa tương xứng so với tiềm năng, thế mạnh; số dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm, hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp còn ít; hầu hết tiến độ triển khai các dự án còn chậm so với dự kiến…
Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang nằm trong Chương trình liên kết giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh. |
Đó là những nội dung chính cần được bàn thảo tại các hội nghị trong khuôn khổ MDEC – Vĩnh Long 2013 để tìm hướng đi cho mối liên kết trong thời gian tới. Trước thực tế như vậy, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL cũng thống nhất cao là ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt những nội dung mà các bên đã và đang triển khai, để việc liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) mang lại hiệu quả cao, hai bên đề ra một số giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài để thực hiện liên kết vùng.
Trước mắt, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ đôn đốc Bộ KH&ĐT hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy chế liên kết vùng ĐBSCL để làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ và toàn diện hơn, sâu hơn theo từng lĩnh vực. Song song đó, sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá Chương trình hợp tác KT-XH giai đoạn 2001 - 2013 giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL; định kỳ hàng năm sơ kết một lần, 5 năm có tổng kết, đánh giá và đề ra nhiệm vụ phối hợp, liên kết cho 5 năm tiếp theo.
Cùng với mục tiêu liên kết là tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; cải thiện môi trường và điều kiện đầu tư; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL. Các bên cùng đồng thuận đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái vùng ĐBSCL; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH ĐBSCL; thường xuyên đối thoại giữa chính quyền và DN, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết.
Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL là kênh xúc tiến, mời gọi đầu tư và đối thoại để cùng nhau giải quyết các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến các bộ, ngành Trung ương, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành trong quá trình thực hiện chương trình liên kết, hợp tác. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin hai chiều, đưa chuyên mục riêng về các chương trình hợp tác phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh lên trên trang thông tin điện tử của các địa phương để các tổ chức, cá nhân có thể tự tra cứu, tìm hiểu các thông tin về đầu tư và kêu gọi đầu tư.
Công ty cổ phần May Công Tiến nằm trong chương trình liên kết giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: T. ANH |
Nghiên cứu mở rộng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng… cho người nông dân, cho các DN đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ và bảo quản, lưu trữ sản phẩm nông nghiệp để tăng đồng đều mức thu nhập bình quân đầu người giữa thành thị và nông thôn, góp phần phát triển KT-XH ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh cũng là bước đi cần thiết.
Bên cạnh đó là rà soát lại các quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng, ngành lĩnh vực cho phù hợp việc khai thác, phát huy tiềm năng và thế mạnh của ĐBSCL, gắn liên kết với TP. Hồ Chí Minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng vùng ĐBSCL.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quy hoạch điểm, tuyến du lịch nội địa và quốc tế, đặc biệt là tuyến trục du lịch lịch sử - văn hóa Bắc - Trung - Nam (kết hợp với các sản phẩm du lịch như: Sông - nước Nam bộ; làng nghề truyền thống; về nguồn; danh lam - thắng cảnh Việt...) để kết nối các nền văn hóa - lịch sử Óc Eo - Champa - Việt cổ với các tuyến du lịch hiện có qua các nước Lào - Campuchia - Thái Lan - Malaysia - Indonesia - Nhật Bản - Ấn Độ và Trung Quốc.
Liên kết trên 1.000 dự án
12 năm hợp tác liên kết giữa 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh (từ năm 2001-2013), các DN TP. Hồ Chí Minh đã tham gia đầu tư vào 23 khu, cụm công nghiệp, với 1.001 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị; khu, cụm công nghiệp và kinh doanh thương mại, du lịch với tổng vốn đăng ký 263.937 tỷ đồng.
Tiền Giang có 44 dự án đầu tư, gồm 17 dự án đã thực hiện hoàn thành đưa vào hoạt động; 17 dự án đang triển khai thực hiện; 10 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang chuẩn bị triển khai thực hiện với tổng vốn đăng ký 12.023 tỷ đồng (trong đó tổng vốn đầu tư thực tế tính đến nay là 5.423 tỷ đồng, chiếm 45% trên tổng vốn đăng ký).
Một số dự án đang phát huy hiệu quả là Công ty cổ phần May Công Tiến, Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang…
|
Song song đó, cũng cần có chính sách và cơ chế chung nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia mạnh mẽ vào hoạt động tài chính - tín dụng ngân hàng trên địa bàn; trong đó phát huy vai trò của TP. Hồ Chí Minh, là nơi có đủ điều kiện để tập trung các hoạt động tài chính, ngân hàng cho liên kết, hợp tác với ĐBSCL.
Các nhà đầu tư, DN đầu tư cần chủ động và tích cực đổi mới công nghệ, đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề… nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức nghiên cứu thị trường, mở văn phòng và trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm của DN tại nước ngoài, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm và tích cực tìm kiếm đối tác sản xuất - kinh doanh…
Triển khai giới thiệu hàng hóa qua Internet, từng bước tiến tới bán hàng thông qua thương mại điện tử.
Chương trình hợp tác liên kết KT-XH toàn diện giữa 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh những năm vừa qua dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan cho các tỉnh, thành tham gia. Chương trình cũng đã góp phần quan trọng vào sự ổn định về an ninh lương thực cho vùng và cả nước.
Với tình hình kinh tế khó khăn trong những năm gần đây và hiện nay, việc gia tăng đầu tư hợp tác, liên kết phát triển KT-XH giữa các địa phương là xu hướng chung, có ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là hợp tác, liên kết phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tại ĐBSCL là định hướng đúng đắn, lâu dài.
THẾ ANH – BÍCH LIÊN