Thứ Ba, 24/12/2013, 05:31 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh

Lần đầu tiên Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự tăng trưởng của xuất khẩu chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Nam of London (khu công nghiệp Mỹ Tho), chuyên may gia công XK hàng may mặc.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Nam of London (khu công nghiệp Mỹ Tho), chuyên may gia công XK hàng may mặc.

Đánh giá chung của Sở Công thương cho thấy, 2013 là năm mà các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn do sức mua của người dân vẫn chưa hồi phục; hàng hóa nông sản xuất khẩu (XK) giảm cả về giá và lượng, thị trường XK gặp khó khăn do kinh tế giảm dẫn đến nhu cầu giảm, hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên ngày càng gia tăng, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng do tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên việc vay vốn để đầu tư của các DN còn hạn chế…

Chính những điều này đã tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm, tình hình tiêu thụ hàng hóa. Kết quả là không ít DN không đầu tư phát triển, nhiều DN đã tiết giảm sản xuất, một số hoạt động cầm chừng, người lao động ít việc làm...

Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng là một trong những dấu hiệu khả quan. Theo Sở Công thương, KNXK năm 2013 của các DN trên địa bàn tỉnh có thể đạt 1,04 tỷ USD, tăng 16% và cao hơn tốc độ tăng của năm trước (2012 tăng 10,4%); trong đó, KNXK của các DN có vốn đầu tư trong nước chiếm 54%, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 46%. Đây là lần đầu tiên KNXK của tỉnh đã vượt mức 1 tỷ USD.

Đáng chú ý là một số mặt hàng XK tăng ở mức cao, nhất là may mặc, giày, sản phẩm ống đồng. Phân tích của Sở Công thương cho thấy, đóng góp tăng cho XK của năm 2013 đáng kể nhất là may mặc, chiếm 55% trong tổng giá trị tăng thêm so năm 2012 (chiếm tỷ trọng từ 14,7% năm 2012 lên 20,4%), kế đến là giày chiếm 38%.

Lập lại trật tự XK thủy sản

Ngày 17-12, khi trao đổi về tình hình XK thủy sản, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, thủy sản XK đã đối mặt với một năm thực sự khó khăn do có quá nhiều yếu tố tác động. Đó là bức tranh chung của nền kinh tế thế giới còn nhiều ngổn ngang; trong khi đó, ngay trong nước xảy ra tình trạng mất cung cầu, cạnh tranh nội bộ, dẫn đến hạ giá XK làm cho giá trị con cá tra liên tục đi xuống.

“Hiện đã qua rồi giai đoạn phát triển nóng của ngành Thủy sản, đang trong quá trình đào thải một số đơn vị kém hiệu quả để lặp lại trật tự mới. Để chấn chỉnh được tình trạng hiện nay, Nhà nước cần xây dựng các điều kiện liên quan đến nuôi, chế biến cũng như XK trong ngành Thủy sản chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, DN nào có đủ tiềm lực sẽ hoạt động tốt hơn trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Đạo cho biết.

Ở nhóm ngành chủ lực của tỉnh, so với năm 2012, thủy sản XK có sản lượng tương đương nhưng giá giảm nên kim ngạch giảm 9%, gạo tiếp tục giảm khoảng 30% cả về lượng lẫn kim ngạch. Trong năm qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã XK 134.220 tấn thủy sản các loại, với trị giá 284 triệu USD; trên 19 triệu đôi giày, trị giá hơn 180 triệu USD; 20 triệu sản phẩm hàng may mặc, trị giá 212 triệu USD…

Nếu phân theo thành phần kinh tế, đóng góp của DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, từ 19% năm 2011 lên 34% năm 2012 và 46% năm 2013. Các DN có vốn FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu là XK.

Dù tổng KNXK của thủy sản và gạo giảm 65 triệu USD so với năm 2012, nhưng tổng KNXK của tỉnh vẫn tăng khoảng 144 triệu USD. Điều này cho thấy, xuất khẩu thủy sản của tỉnh vẫn còn khó khăn; XK nông sản có xu hướng giảm và không bền vững, ngoài gạo thì XK rau quả những năm gần đây cũng giảm và tỷ trọng trong KNXK của tỉnh không đáng kể.

Ở khía cạnh khác, sở dĩ KNXK hàng hóa đạt cao là nhờ các DN trên địa bàn tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường XK sang khắp các châu lục. Đến nay, XK hàng hóa của tỉnh sang thị trường châu Á chiếm 33,5 %, còn lại là thị trường khác.

Nếu phân tích kỹ về cơ cấu XK của tỉnh mới thấy rằng, dù KNXK trên địa bàn tỉnh có mức tăng liên tục những năm gần đây, nhưng chủ yếu là tăng trưởng về chiều rộng chứ không phải tăng theo chiều sâu. Thực tế cho thấy, sự tăng lên của XK chủ yếu là dựa vào các DN đầu tư mới ở các khu công nghiệp đi vào hoạt động, tập trung ở các ngành hàng như da giày, may mặc, ống đồng và ở hầu hết các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ở nhóm DN này, hoạt động chủ yếu là hình thức gia công sản phẩm, phần lớn nguyên liệu sản xuất được nhập về từ nước ngoài, giá trị gia tăng không lớn, nên thực chất phần lợi mà tỉnh được hưởng không nhiều. Trong khi đó, nhóm ngành hàng chủ lực của tỉnh, khai thác nguyên liệu trong vùng như thủy sản, gạo, nông sản… liên tục gặp khó khăn. Có thể số lượng sản phẩm XK có tăng nhưng thực chất giá trị mang lại có xu hướng giảm nên đồng nghĩa là lợi nhuận của nhóm ngành hàng này không cao…

THẾ ANH

XK gạo nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn

Đó là nhận định của ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang. Ông Khiêm cho rằng, nguyên nhân chính làm cho KNXK gạo của các DN giảm thời gian qua là do hầu hết các nước trúng mùa, bên cạnh đó, gạo Việt Nam còn phải cạnh tranh với một số kho lương thực lớn của thế giới như Thái Lan hay Ấn Độ.

Từ thực tế này, ngay cả Công ty Lương thực Tiền Giang, đơn vị XK gạo chủ lực của tỉnh cũng rất khó đạt được các chỉ tiêu XK gạo trong năm 2013. Dấu hiệu thị trường lúa gạo cuối năm có phần khởi sắc, do Việt Nam trúng được gói thầu XK gạo sang Philippines với số lượng tương đối lớn đã tạo thêm động lực cho thị trường lúa gạo, nhưng đây cũng chỉ là những dấu hiệu nhất thời.

 

.
.
.