Thứ Hai, 02/12/2013, 17:23 (GMT+7)
.

Gò Công Tây: Phấn đấu GDP tăng 7,05% vào năm 2014

Đến thời điểm này, huyện Gò Công Tây đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013. Huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 với mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó phấn đấu GDP tăng 7,05% so với năm 2013.

Việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện Gò Công Tây trong năm 2013 mặc dù chưa có những đột phá lớn nhưng đã có những chuyển biến tích cực. Một số khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ nên giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thu ngân sách địa phương đều đạt, vượt kế hoạch và tăng hơn so năm 2012.

Giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đạt 657 tỷ đồng; sản lượng lương thực đạt 180.000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp địa phương ngoài quốc doanh đạt 36 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa phương đạt 44 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được huyện quan tâm lãnh đạo và thực hiện tốt, đặc biệt là công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và vấn đề an sinh xã hội.

Giao thông thông thoáng góp phần quan trọng trong việc cải thiện bộ mặt nông thôn huyện Gò Công Tây.
Giao thông thông thoáng góp phần quan trọng trong việc cải thiện bộ mặt nông thôn huyện Gò Công Tây.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện vẫn còn một số hạn chế, đó là: Cơ cấu kinh tế có chuyển dịch nhưng còn chậm; giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ tuy có tăng nhưng không nhiều, chưa đều; việc kêu gọi đầu tư dù có dấu hiệu khởi sắc song còn chậm.

Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp, gây lo lắng cho nông dân; giá cả hàng hóa, dịch vụ luôn biến động tăng, nhất là vật tư nông nghiệp, xăng dầu, công lao động, làm chi phí đầu vào tăng cao, hiệu quả kinh tế thấp, không có lợi cho người sản xuất. Các loại bệnh trên người vẫn còn xảy ra.

Tình hình tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc, đá gà còn xảy ra ở nhiều nơi, có lúc, có nơi xảy ra với quy mô lớn. Công tác vận động quần chúng có nhiều nơi chất lượng chưa cao, chưa đi vào chiều sâu. Tình trạng tiêu cực, lãng phí vẫn còn. Công tác xây dựng Đảng chưa đạt kết quả như mong muốn. Những khó khăn, hạn chế trên đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện.

Xuất phát từ việc đánh giá đúng những kết quả đạt được, cũng như xác định hạn chế, khó khăn của huyện, cấp ủy và chính quyền huyện đã đề ra mục tiêu cho năm 2014 là tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt các chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách người có công, bài trừ tệ nạn xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và vai trò tham mưu của các cơ quan giúp việc trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Huyện cũng đã dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2014. Trong đó, GDP tăng 7,05% so năm 2013; thu nhập bình quân đầu người một năm đạt 21,43 triệu đồng; sản lượng cây lương thực có hạt 170.522,5 tấn, trong đó sản lượng lúa 169.862,5 tấn và bắp 660 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (theo giá cố định 1994) là 361,481 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN địa phương là 41 tỷ đồng,  tăng 4,86% so năm 2013; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 22,26% so năm 2013.

Các chỉ tiêu về xã hội: Quy mô dân số đến cuối năm 2014 là 126.807 người; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 11,64%; duy trì chuẩn quốc gia về chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tạo việc làm mới cho 2.500 lao động; giúp thoát nghèo 500 hộ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 5,35%.

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, huyện đã thống nhất những giải pháp cơ bản cho từng lĩnh vực cụ thể. Về nông nghiệp, sẽ tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng và hiệu quả, gắn chặt với thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại. Cũng cố mạng lưới thú y đủ năng lực giám sát dịch bệnh. Ứng dụng các phương pháp chăn nuôi theo công nghệ mới, giống mới.

Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tuân thủ lịch thời vụ, mở rộng diện tích nuôi nước ngọt ở các vùng trũng sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Phát triển nông thôn, tập trung đầu tư hạ tầng, triển khai sâu rộng chương trình xây dựng xã nông thôn mới.

Về thủy lợi, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn phân cấp, nạo vét kinh mương thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy, gia cố đê - cống ngăn mặn bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt trong nhân dân với tổng số vốn dự kiến đầu tư 9,4 tỷ đồng/50 công trình.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện tập trung phát triển ngành nghề có ưu thế tại địa phương, chú trọng phát triển một số ngành nghề hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vốn, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các cụm công nghiệp để sớm đi vào hoạt động.

NGỌC MAI

.
.
.