Kết quả hợp tác phát triển KT-XH giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh
Năm 2004, UBND tỉnh Tiền Giang và UBND TP. Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần “đôi bên cùng hưởng lợi”. Gần 10 năm qua, chương trình này đã có 44 dự án của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đầu tư tại Tiền Giang, với tổng vốn đăng ký 12.023 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Những kết quả đạt được
Theo Sở KH-ĐT Tiền Giang, trên lĩnh vực công nghiệp, những dự án được các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh triển khai trong những năm qua đã và đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, từ năm 2010 đến nay, trên lĩnh vực công nghiệp ít có dự án được triển khai mới.
Cụ thể: Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho có các dự án chế biến nông sản, thủy sản thực hiện khá thành công như: Công ty CP nông sản Việt Phú, Công ty CP Hùng Vương, Công ty CP Gò Đàng, Công ty Thành Công, Công ty Quang Vinh, An Phát, Châu Âu… Ngoài ra, Công ty Liên doanh nhà máy bia Việt Nam đã đầu tư 75,93 triệu USD để mua lại nhà máy bia Foster Tiền Giang, với công suất 65 triệu lít/ năm.
KCN Tân Hương cũng nằm trong chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang, hiện đã lấp đầy 93%. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu ở KCN Tân Hương. |
Trong KCN Tân Hương, có 7 dự án của các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh, với vốn đầu tư trên 260 tỷ đồng. Cụm công nghiệp Trung An cũng có nhiều nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư trên 166 tỷ đồng.
Riêng đầu tư ngoài KCN, đến nay có 40 nhà đầu tư, với tổng vốn 8.752 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 1 dự án công nghiệp ký kết hợp tác đầu tư giữa 2 địa phương mang lại hiệu quả tích cực, đó là Công ty CP Công Tiến ở TX. Gò Công, đã thu hút 1.200 lao động và đang triển khai giai đoạn 2, dự kiến thu hút thêm 600 lao động.
Trên lĩnh vực thương mại, dự án Siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho được triển khai hợp tác xây dựng giữa Liên minh HTX Tiền Giang với Saigon Co.op, kinh phí 41 tỷ đồng; hiện dự án đang hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho khoảng 100 lao động.
Dự án Trung tâm thương mại Quốc gia, với tổng vốn đầu tư 77 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Satico đầu tư 12 hạng mục công trình 28 tỷ đồng và Công ty Phương Trang đầu tư các trạm dừng chân 10 tỷ đồng. Hiện 2 đơn vị này đang xúc tiến các thủ tục thành lập Công ty cổ phần để xây dựng kế hoạch đầu tư dự án.
Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư như Công ty CP Lợi Nhân, Công ty CP Trạm dừng chân Du lịch Xanh đã đầu tư xây dựng chợ phường 8, chợ Đạo Thạnh, Khu trưng bày - giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng ĐBSCL và xúc tiến thương mại kết hợp hoạt động du lịch tại trạm dừng du lịch xanh, với vốn đầu tư 124 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có các dự án hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thông tin truyền thông, giao thông, bến bãi, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ… Nhìn chung đều phát huy hiệu quả, góp phần vào sự tăng trưởng về kinh tế, thay đổi diện mạo của Tiền Giang trong thời gian qua.
Những hạn chế, khó khăn
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT tại Hội nghị trao đổi giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ĐBSCL thì liên kết giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế trong quá trình hợp tác.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án trồng 3.000 ha khóm chậm triển khai. Trung tâm Thương mại Quốc gia Hòa Khánh chưa mang lại hiệu quả tích cực, dù đã hoạt động thời gian dài.
Các dự án đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành triển khai chậm; việc hợp tác xúc tiến du lịch chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu tham gia các sự kiện du lịch trong nước và trưng bày các sản phẩm du lịch đơn thuần do còn hạn chế về kinh phí, kinh nghiệm quản lý.
Trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh du lịch lữ hành giữa các doanh nghiệp chủ yếu mang tính tự phát, chưa có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan nhà nước.
Trong lĩnh vực giao thông - vận tải, vẫn còn một số tồn tại vướng mắc về cơ chế chính sách, về quản lý của tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, vì mỗi nơi có đặc thù khác nhau, nên khi cụ thể vào lĩnh vực hợp tác đầu tư thì chưa có sự thống nhất cao.
Ngoài ra, đến nay vẫn chưa xây dựng và ký kết chương trình hợp tác, dự án cụ thể với các đơn vị khoa học - công nghệ của TP. Hồ Chí Minh, mà chỉ thông qua các hợp đồng nghiên cứu khoa học độc lập theo từng đề tài, dự án riêng lẻ nên kết quả hợp tác trong thời gian qua chưa đạt kết quả cao. Đặc biệt là có sự thiếu thông tin từ 2 phía, nên đã hạn chế đến vấn đề tìm hiểu hợp tác đầu tư.
Tại Hội nghị G13 + 1 trong khuôn khổ MDEC - Vĩnh Long 2013, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng quá trình hợp tác, liên kết giữa thành phố và các tỉnh ĐBSCL vẫn còn tồn tại một số hạn chế; vì thế cần ngồi lại để sơ kết rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hợp tác.
Theo ông Quân, trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL cùng thực hiện một số giải pháp như việc hợp tác không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các sở, ngành và địa phương; mà cần phải tổ chức, mở rộng hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân của 2 bên có nhu cầu hợp tác.
Cần tăng cường công tác vận động thu hút đầu tư, giới thiệu các nhà đầu tư có ngành nghề phù hợp với địa phương; đồng thời tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin, đối thoại giữa các sở, ngành, lãnh đạo địa phương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành.
Để việc liên kết giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đạt hiệu quả hơn nữa, Sở KH-ĐT Tiền Giang cho rằng cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong hợp tác phát triển, phân công trách nhiệm cụ thể các cơ quan, đơn vị có liên quan của 2 địa phương; tăng cường hơn nữa công tác vận động thu hút đầu tư, giới thiệu các nhà đầu tư có ngành nghề phù hợp với địa phương; đồng thời tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin giữa các ngành, các doanh nghiệp của 2 địa phương, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp xúc, trao đổi thông tin, nghiên cứu hợp tác, khai thác lợi thế, tiềm năng của 2 địa phương.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, 2 địa phương cần phối hợp nghiên cứu giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, quản lý để đẩy nhanh hợp tác trong triển khai các dự án giao thông, vận tải trên địa bàn Tiền Giang. Đặc biệt cần có sơ kết, đánh giá kết quả đạt được và điều chỉnh, bổ sung chương trình hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.
PHẠM HUỲNH