Nông dân Cai Lậy hy vọng vào vụ hoa màu Tết
Còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, thời điểm này, nhiều nông dân ở huyện Cai Lậy đang tích cực chăm sóc, chuẩn bị cung ứng hoa màu cho thị trường Tết, với nhiều hy vọng về vụ mùa khả quan nhất trong năm.
Nông dân xã Nhị Mỹ tích cực chăm sóc vụ huệ Tết. |
Những năm gần đây, ngoài chuyển đổi diện tích lúa sang vườn trồng cây ăn trái, nông dân xã Bình Phú còn mở rộng diện tích chuyên canh và xen canh cây màu, nhiều nhất ở hai ấp Bình Phong và Bình Long. Vụ đông xuân 2013 - 2014, nông dân xã Bình Phú trồng 20 ha hoa màu phục vụ thị trường Tết, chủ yếu là dưa hấu, dưa leo, khổ qua, ớt,… Giáp Tết, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc trồng trọt, nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả cũng tăng cao nên nông dân tận dụng tối đa diện tích để canh tác.
Ông Đặng Văn Hưng, ở ấp Bình Phong cho biết, sau 10 năm chuyển đất lúa sang chuyên canh cây màu, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định hơn. Hiện nay, tùy theo nhu cầu của thị trường, ông trồng luân phiên nhiều loại rau màu trên 3 công đất canh tác, với các loại cây họ đậu, mướp, ớt, đu đủ, khổ qua… Chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay, ông Hưng trồng 3 công khổ qua giống Đồng tiền vàng, dự kiến thu hoạch từ 20 - 25 tháng Chạp.
Ông cho biết: “Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy, giáp Tết khổ qua luôn ở mức giá 9.000 - 12.000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/công. Vụ rau màu Tết luôn được giá nên quanh đây bà con đều tranh thủ thời gian làm đất, xuống giống và tích cực chăm sóc. Ngoài đất nhà, nhiều nông dân còn mướn thêm đất để trồng màu, nhiều nhất là dưa leo, khổ qua, dưa hấu... Những ngày qua, thời tiết tương đối thuận lợi nên rau màu đã xuống giống đều phát triển tốt”.
Không khí chuẩn bị đón Tết cũng rộn ràng không kém trên những cánh đồng huệ trắng ở hai ấp Mỹ Cần và Mỹ Lợi (xã Nhị Mỹ). Là loại hoa không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, nơi thờ cúng tôn nghiêm trong những ngày Tết. Hơn 10 năm nay, cây huệ đã mang lại thu nhập khá cho nông dân. Vụ đông xuân này, nông dân xã Nhị Mỹ trồng 20,5 ha huệ phục vụ thị trường Tết.
Để huệ cho thu hoạch từ 25 tháng Chạp trở đi - thời điểm giá bông huệ luôn đứng ở mức cao, từ tháng 7 âm lịch, người trồng huệ đã tiến hành nhổ củ, phơi củ, làm đất và xuống giống từ giữa tháng 8 âm lịch. Những năm qua, huệ Tết ở xã Nhị Mỹ có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh, đem lại lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/công.
Vì vậy, nông dân chăm sóc cây huệ rất kỹ, từ khâu xử lý củ, làm cỏ đến bón phân, xịt thuốc. Ông Đặng Văn Xinh, ở ấp Mỹ Lợi cho biết: “Nếu có kinh nghiệm chăm sóc và xử lý huệ ra bông đúng thời điểm để đón giá, vụ huệ Tết có thể cho lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần so với một vụ lúa. Vào những ngày rằm hoặc giáp Tết, huệ luôn có giá trên 7.000 đồng/bông nên quanh đây, nhiều nông dân đã làm giàu từ cây huệ”.
Nông dân xã Bình Phú chăm sóc rau màu Tết. |
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, vụ đông xuân 2013 - 2014, huyện có 745 ha hoa màu, với các loại chủ lực gồm: dưa hấu, dưa leo, huệ trắng, các loại cây họ đậu… Các xã phía Nam Quốc lộ 1, ven thị trấn Cai Lậy và tuyến giáp Đồng Tháp Mười là những nơi hưởng ứng tích cực việc xen canh và chuyên canh cây màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, dự kiến sẽ thu hoạch cao điểm trong những ngày cận Tết.
Để hỗ trợ nông dân, ngành Nông nghiệp huyện đã tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn nông dân bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, chọn giống tốt và sản xuất theo hướng an toàn. Ngoài ra, nông dân còn trồng xen nhiều loại rau màu khác nhau, thu hoạch rải rác trước, trong và sau Tết Nguyên đán, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa tạo điều kiện ổn định đầu ra và giá cả nông sản.
Tập trung chăm sóc vụ hoa màu Tết, đa số nông dân huyện Cai Lậy đều có chung hy vọng một vụ mùa thuận lợi để họ có thể đón một cái Tết sung túc, yên vui.
QUẾ NGÂN