Thứ Hai, 09/12/2013, 06:13 (GMT+7)
.

Nông dân Yên Luông thoát nghèo nhờ trồng rau, màu

Trời trưa nắng, nhưng trên cánh đồng các ấp Phú Quới, Long Bình, Bình Cách… xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây vẫn thấp thoáng bóng người bón phân, chăm sóc cho những liếp rau xanh. Mấy ngày nay, giá rau cải ở các chợ đang nhích lên, nên bà con chuyên sống bằng nghề trồng rau, màu ở đây thêm phấn khởi. Có thể nói, cùng với cây lúa, nghề trồng rau, màu đã góp phần giải quyết việc làm hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động của xã.

Về Yên Luông những ngày này, đi trên QL 50 hay Hương lộ 15 đến khu vực các ấp Long Bình, Phú Quới, qua khỏi Nhà Văn hóa xã, dọc 2 bên đường, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những tốp chị em phụ nữ tụm nhau dưới những chiếc dù che nắng nhanh tay thu hoạch, làm sạch, bó lọn, vô bao… những bó cải thìa, hành lá, rau thơm…

Mùi hương của những đám rau thơm, húng quế…  theo gió bay ra, làm nhiều người mới lần đầu ghé đến cũng dễ dàng nhận biết nơi đây là vùng chuyên canh rau, màu. Hai bên con đường ấp Phú Quới, những ngôi nhà tường mái lợp ngói, tol fifro khang trang, thoáng đãng. Phía sau những ngôi nhà khang trang là những đám rẫy trồng đủ các loại rau, màu, cà, cải, ớt, dưa leo...

Đã mấy chục năm nay, gia đình ông Trần Văn Nơi và nhiều bà con ở ấp Phú Quới gắn bó với nghề trồng rau cải, coi đây là nguồn thu nhập chính. Vừa nghỉ tay chăm sóc 2 công đất trồng cải xanh sắp đến thu hoạch, ông Nơi cho biết: Hiện nay, cải xanh đang có giá 10.000 đồng/kg, cải xà lách, cải thìa giá trên 12.000 đồng/kg, với giá này bà con trồng rau, màu thu lợi khá.

Ông Phạm Văn Dẫn đang chăm sóc 2 công cải.
Ông Phạm Văn Dẫn đang chăm sóc 2 công cải.

Theo nhiều hộ trồng rau, màu, nếu so với lúa, trồng rau, màu đem lại thu nhập cao hơn, công chăm sóc cũng nhẹ hơn và đặc biệt là quay vòng vốn nhanh. Nhờ ưu điểm này, nhiều hộ dân trước đây không trồng màu, khi có điều kiện cũng mạnh dạn đầu tư vốn, chọn loại màu thích hợp để trồng nhằm tạo việc làm cho gia đình, có thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Kim Phượng, đến với nghề trồng rau cải khoảng 4-5 năm nay. Trước đây, đời sống cả nhà phụ thuộc vào quán nước nhỏ trước nhà, hàng ngày gói ghém lắm cũng chỉ đủ ăn. Từ ngày mướn được 2 công đất trồng rẫy, nhờ học hỏi kinh nghiệm của cán bộ khuyến nông và bà con đi trước nên vợ chồng chị đã gắn bó với những liếp rau cho đến nay.

Chị Phượng chia sẻ: “Thông qua Hội Phụ nữ, tôi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội 5 triệu đồng để đầu tư 2 công rau cải. Hiện nay, mỗi tháng tôi kiếm lời từ 4-5 triệu đồng, nếu đi làm mướn, thu nhập ít mà cực hơn nhiều”. 

Ông Phạm Văn Dẫn, một nông dân trồng màu lâu năm ở đây cho biết: Ấp Phú Quới hiện có trên 300 hộ dân thì đã có trên 250 hộ sống bằng nghề trồng màu, với tổng diện tích khoảng 40 ha. Trồng các loại rau, màu, từ thời điểm gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch trung bình khoảng 40-60 ngày, chỉ cần người trồng chăm chỉ, chịu khó là được.

Tuy nhiên, còn một số khâu khác như: ươm bầu cây con, thu hoạch, làm sạch, cân cho bạn hàng, nếu gia đình nào ít nhân công thì phải thuê thêm lao động phụ giúp. Từ đó, nhiều hộ dân có thể chia sẻ ngày công lao động và giúp nhau kiếm thêm thu nhập.

Ở Yên Luông những năm gần đây, ngoài việc phát triển đưa cây màu xuống chân ruộng, bà con nông dân còn tận dụng đất giồng, đất bờ kinh, bờ mẫu để canh tác rau, màu. Nhờ vậy mà mỗi ngày, những chuyến xe chở từng bó rau xanh mơn mởn của vùng màu Yên Luông cứ nối đuôi nhau tỏa về các chợ, cung ứng nguồn rau xanh phục vụ nhu cầu của người dân.

XUÂN TƯỚC

.
.
.