Thứ Ba, 17/12/2013, 06:11 (GMT+7)
.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững ngành Thủy sản

Phát triển bền vững ngành Thủy sản (TS), nhất là các mặt hàng TS chủ lực là mục tiêu hàng đầu của Chiến lược phát triển TS Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình phát triển xuất khẩu TS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2012.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành TS theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, ngành TS phải trải qua chặng đường đầy “chông gai” phía trước và cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững.

Chặng đường “chông chênh”

Trong quá trình phát triển, ngành TS đã đạt được những thành tựu đáng kể với sự tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Theo số liệu của Tổng cục TS, năm 2011, tổng sản lượng TS khai thác và nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, so với năm 2001 tăng 2,1 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này là 8,82%/năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu TS năm 2011 đạt 6,11 tỷ USD, tăng 2,4 lần so với năm 2001, với tốc độ tăng trưởng bình quân 13,16%/năm; hàng TS Việt Nam đã có mặt trên 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngành Thủy sản phải trải qua chặng đường đầy chông gai để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Ngành Thủy sản phải trải qua chặng đường đầy chông gai để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Bước sang năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu TS chỉ đạt 6,2 tỷ USD, không đạt kế hoạch 6,5 tỷ USD. Đối với tôm, ngay từ đầu năm nông dân nuôi tôm phải lao đao với dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, giá tôm lên xuống thất thường.

Doanh nghiệp thì đối mặt với thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, vướng rào cản Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản, hoạt động sản xuất cầm chừng, thậm chí phá sản… Điều này khiến xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 2,25 tỷ USD, giảm 6,3% so với năm 2011 và không đạt mục tiêu 2,4 tỷ USD.

Cá tra cũng phải đối diện với nhiều khó khăn liên tiếp như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu trầm trọng, giá thức ăn, con giống, giá cá nguyên liệu bất ổn… dẫn đến xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 1,75 tỷ USD, giảm so với 1,8 tỷ USD năm 2011.

Trong năm 2012, cá ngừ là mặt hàng có sự tăng trưởng ấn tượng nhất, với sự có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2011.

Ngành Thủy sản năm 2013 vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn từ nội tại đến thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nhờ dịch bệnh tôm trong nước được kiểm soát, trong khi các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới giảm mạnh sản lượng tôm do dịch bệnh EMS, cùng với sự kiện tôm Việt Nam thoát khỏi thuế chống bán phá giá và vụ kiện chống trợ cấp tại thị trường Mỹ nên xuất khẩu tôm năm 2013 thuận lợi. Dự kiến xuất khẩu tôm cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2012.

Đối với cá tra, người nuôi liên tục bị thua lỗ, diện tích thả nuôi cá tra trong dân dần bị thu hẹp. Diện tích nuôi cá tra 11 tháng qua chỉ có 5.800 ha, bằng 90,2% so với cùng kỳ năm 2012. Diện tích cá tra thu hoạch chỉ bằng 87% so với cùng kỳ năm 2012, tương ứng với sản lượng cá đạt 852 ngàn tấn.

Không chỉ ở khâu nuôi cá gặp khó, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng lao đao do sức mua kém, giá cá giảm, liên tục phải đối diện với vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ với mức thuế cao, thiếu vốn sản xuất, không đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu… Điều này dẫn đến giá trị xuất khẩu cá tra 9 tháng của năm 2013 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến, xuất khẩu cá tra cả năm 2013 chỉ đạt xấp xỉ năm 2012.

Xuất khẩu cá ngừ năm 2013 có xu hướng chững lại và giảm nhẹ so với năm 2012 do lượng tồn kho cá ngừ của các thị trường tiêu thụ như: EU, Nhật Bản tăng cao; yêu cầu về chất lượng của thị trường cao hơn, trong khi nguồn cá ngừ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu không đủ.

Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ 9 tháng của năm 2013 đạt 415 triệu USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2012. Điều này cho thấy giá trị xuất khẩu cá ngừ cả năm 2013 khó có thể đạt mức 600 triệu USD của năm 2012.

Nội tại còn nhiều bất cập

Thời gian qua, các sản phẩm TS Việt Nam chưa có sự đa dạng và đổi mới sản phẩm kịp theo nhu cầu thị trường. Giá trị tăng thêm của xuất khẩu TS trong những năm qua chủ yếu là do tăng sản lượng (chiếm đến 80%), giá trị sản phẩm tăng (chỉ chiếm 20%).

Điều này cho thấy, sự phát triển theo chiều rộng phần nào đã đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trước mắt, nhưng chưa tạo được lợi thế cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng, tăng giá trị, đổi mới hệ thống kinh doanh, phân phối sản phẩm.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng có sự biến động mạnh theo sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng nên công tác dự báo thị trường là đặc biệt quan trọng, quyết định sự thắng lợi trong sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện nay công tác này còn rất hạn chế, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp không rõ ràng. Hơn nữa, số liệu thống kê thị phần xuất khẩu thế giới còn thiếu, chưa đảm bảo tính tin cậy nên không đủ cơ sở để phân tích, dự báo chính xác nhu cầu cho từng mặt hàng, từng thị trường tiêu thụ.

Phần lớn các nhà máy chế biến được đầu tư lớn, nhưng chỉ khai thác từ 50-70% công suất, khiến chi phí sản xuất trong nước cao. Nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến khi thừa, khi thiếu do mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn rất lỏng lẻo, đã làm giảm sức cạnh tranh các sản phẩm TS Việt Nam trên thị trường.

Bên cạnh đó, thương hiệu TS Việt Nam vẫn chưa được quan tâm xây dựng và bảo vệ đúng mức, phần lớn sản phẩm TS xuất khẩu dưới nhãn mác, thương hiệu của nước ngoài, mặc dù giá trị thương hiệu TS Việt Nam đã được khẳng định.

Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh TS chưa cao, làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Khi đó, Nhà nước lại tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm đối với hoạt động chế biến xuất khẩu, làm doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều trở ngại bên ngoài

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố bên ngoài cũng gây trở ngại không nhỏ cho chặng đường phát triển bền vững ngành TS. Trước hết, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài làm cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa TS tại các thị trường chính của xuất khẩu TS Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản… suy giảm.

Xu hướng tăng cường các rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm ở các nước tiêu thụ TS lớn trên thế giới ngày càng tăng, gây khó khăn cho xuất khẩu TS Việt Nam. Chẳng hạn, Nhật Bản liên tục đưa ra các quy định khắt khe về dư lượng các hóa chất (Ethoxyquin, Triflurarin), kháng sinh… đối với các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam; Trung Quốc cũng đưa ra các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký sản phẩm, cơ sở sản xuất đối với thực phẩm nhập khẩu.

xczx
Cảng cá Mỹ Tho hàng năm tiếp nhận nhiều tàu khai thác thủy sản cặp bến.

Thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng TS thế giới có xu hướng giảm, trong khi TS Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu vào các thị trường. Điều này đã tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng tăng của TS Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chẳng hạn, mặt hàng tôm đã từng chịu thuế chống bán phá giá, rồi thuế chống trợ cấp tại thị trường Mỹ do cạnh tranh với quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh tôm khai thác thuộc Liên minh công nghiệp tôm vùng vịnh Mỹ (COGSI); các nước sản xuất tôm chính như Thái Lan, Indonesia đã hạ giá bán sản phẩm để cạnh tranh.

Sản phẩm cá tra cũng bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ do cạnh tranh với sản phẩm cá nheo nuôi tại Mỹ. Các nước có điều kiện địa lý tương tự Việt Nam như Thái Lan, Philippines cũng đang tích cực đầu tư để tiến tới sản xuất và xuất khẩu cá tra, gây áp lực cạnh tranh lên ngành cá tra Việt Nam.

Đối với mặt hàng cá ngừ, các nước đối thủ của Việt Nam như Ecuador, Philippines và Thái Lan đang tích cực có những động thái thỏa thuận với các nước EU, Mỹ để được ưu đãi về mặt thuế quan đối với các mặt hàng cá ngừ xuất khẩu vào các thị trường này.

Qua phân tích trên có thể thấy, ngành TS có quá nhiều khó khăn, thách thức cần phải đối mặt. Do đó, để phát triển bền vững ngành TS, nhất là các mặt hàng TS chủ lực cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với sự tham gia của các bộ, ngành, nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó cần ưu tiên cho các chương trình phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung đầu tư phát triển chế biến, xuất khẩu theo chiều sâu, chú trọng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhận thức rõ và sớm các cơ hội, cũng như thách thức của môi trường kinh doanh.

THÀNH CÔNG

.
.
.