Thứ Sáu, 13/12/2013, 13:04 (GMT+7)
.

Xuất khẩu gạo giảm sâu

Số liệu do Sở Công thương đưa ra tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 109 và việc quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo cũng như tình hình tạm trữ và các giải pháp kinh doanh xuất khẩu gạo năm 2014, diễn ra vào chiều ngày 10-12, cho thấy năm 2013 xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

GIẢM GẦN 30%

Theo số liệu của Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho thấy, trong 11 tháng qua của năm 2013, kim ngạch xuất khẩu (XK) gạo của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 84 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, với sản lượng XK chỉ đạt 190.000 tấn, giảm gần 29%; trong đó XK trực tiếp chỉ đạt 155.000 tấn.

Theo đánh giá của Sở Công thương, kim ngạch XK gạo của tỉnh giảm là do XK ủy thác qua hợp đồng tập trung giảm đến 75%. Nếu như cơ cấu XK gạo trong năm 2012 là ủy thác chiếm 50% và trực tiếp chiếm 50% thì trong 11 tháng của năm 2013, XK ủy thác chỉ chiếm 18% và sản lượng gạo xuất qua hợp đồng tập trung chỉ chiếm 18% trong tổng sản lượng XK gạo của toàn tỉnh.

Công nhân Công ty TNHH Song Thuận chuyển gạo xuống sà lan để xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Song Thuận chuyển gạo xuống sà lan để xuất khẩu.

Ở một diễn biến đáng lưu ý khác là giá gạo XK bình quân cũng giảm. Theo đó, giá gạo xuất theo hợp đồng tập trung giảm khoảng 9 USD/tấn, ở mức 388 USD/tấn; còn xuất theo hình thức trực tiếp cũng giảm khoảng 22 USD/tấn, ở mức bình quân 440 USD/tấn. Cũng cần lưu ý là, trong cơ cấu gạo XK trực tiếp của các DN gồm có nếp, gạo thơm, gạo lức, tấm và các loại gạo khác nên giá bình quân gạo XK trực tiếp có cao hơn so với XK theo hình thức ủy thác.

Những thông tin trên cho thấy, tình hình kinh doanh lúa gạo trong năm 2013 chịu rất nhiều áp lực, nhất là chịu sự chi phối từ thị trường nhập khẩu của các nước và mức độ cạnh tranh quyết liệt giữa các kho lương thực lớn của thế giới. Điều này dẫn đến việc giảm sản lượng cũng như giảm giá XK của hạt gạo Việt Nam nói chung và của các DN trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Đánh giá về tình hình tiêu thụ lúa gạo vừa qua, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, đơn vị chủ lực trong XK gạo của tỉnh cho rằng, nguyên nhân chính là do hầu hết các nước trúng mùa, bên cạnh đó gạo Việt Nam còn phải cạnh tranh với một số kho lương thực lớn của thế giới như Thái Lan hay Ấn Độ. Từ thực tế này, Công ty Lương thực cũng rất khó đạt được các chỉ tiêu XK gạo trong năm 2013.

“Thời gian gần đây, Việt Nam trúng được gói thầu XK gạo sang Philippines với số lượng tương đối lớn đã tạo thêm động lực cho thị trường lúa gạo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những dấu hiệu nhất thời, còn trong dài hạn, thị trường XK gạo nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn” - ông Lê Thanh Khiêm nhận định.

Tình hình XK gạo giảm sâu như thế đã dẫn đến hệ quả là không ít DN kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh chịu lỗ do có nhiều thời điểm giá nguyên liệu trong nước cao hơn giá XK. Điều này đã buộc các DN giảm bớt quy mô hoạt động, cho thuê bớt nhà xưởng, chủ động cắt giảm bớt nguồn hàng nhằm giảm bớt áp lực tài chính.

HÀNG TRĂM HA LÚA ĐƯỢC BAO TIÊU

Nét nổi bật trước vụ mùa của năm 2014 là các DN kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh chuyển hướng đầu tư vào vùng nguyên liệu. Đây cũng là một trong những điều kiện bắt buộc đối với các DN XK gạo trực tiếp theo quy định mới có hiệu lực của Bộ Công thương.

Nếu như những năm trước đây, việc đầu tư vào vùng sản xuất lúa nguyên liệu chỉ tập trung vào Công ty Lương thực Tiền Giang, đến nay theo Sở Công thương đã có 7 DN ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ hoặc hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo của Công ty Lương thực Tiền Giang, vụ đông xuân 2013-2014, công ty đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu lúa cho khoảng 400 ha. Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, công ty đã ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ lúa theo giá bảo hiểm với Tổ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao (xã Mỹ Trung, Cái Bè), với tổng diện tích 166 ha, giống lúa OM 4900 (sản lượng dự kiến khoảng 8 tấn/ha).

“Công ty đầu tư lúa giống xác nhận trị giá trên 334 triệu đồng trong 4 tháng không tính lãi và mua theo giá bảo hiểm 5.300 đồng/kg lúa khô. Nếu tại thời điểm thu hoạch, giá lúa trên thị trường cao hơn giá bảo hiểm thì công ty mua theo giá thị trường” - ông Nguyễn Văn Đôn cho biết.

Bên cạnh đó, có hàng trăm ha lúa cũng được các DN kinh doanh lương thực ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ lúa đối với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và đại diện các hộ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh, với tổng sản lượng lúa dự kiến 29.000 tấn. Chẳng hạn, Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang đã ký hợp đồng tiêu thụ với THT lúa giống Tăng Hòa (Gò Công Đông), với diện tích 210 ha, giống lúa Nàng Hoa và VD20, với giá lần lượt là 6.300 đồng/kg và 7.200 đồng/kg lúa khô.

Công ty TNHH Song Thuận cũng đã ký hợp đồng với THT liên kết sản xuất Thạnh Hưng (Châu Thành), với diện tích 35 ha, giống lúa hạt dài và IR50404, với giá bảo hiểm lần lượt là 5.600 đồng/kg và 5.400 đồng/kg. Công ty XNK Khang Long cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ với HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới, với diện tích 500 ha, giống lúa OM 5451 và OM 4900, giá bảo hiểm 5.200 đồng/kg…

Việc các DN tập trung ký hợp đồng tiêu thụ lúa đối với THT, HTX hay hộ nông dân là một trong những điểm mới trong sản xuất lúa cho vụ mùa tới. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế trong việc bao tiêu lúa như thời gian qua, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để việc ký kết đạt hiệu quả cao cần có sự đồng thuận của người dân và sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, các DN cần liên kết với các thương lái, nhằm tránh sự cạnh tranh với lực lượng này khi thu mua lúa. Trong khi đó, việc sử dụng lúa giống cũng cần cân đối đối với giống IR 50404 và nên chuyển dần sang giống lúa chất lượng cao…

THẾ ANH

.
.
.