CLB các nước và vùng lãnh thổ đạt 100 nghìn lượt khách đến Việt Nam
Số khách đến Việt Nam đạt trên 100.000 lượt người. Ảnh: Như Lam |
Ngoài các CLB 1 tỷ USD trở lên về mặt hàng, địa bàn, thị trường xuất khẩu, về đối tác đầu tư trực tiếp còn có một loại CLB khác cần chú ý, đó là CLB các nước và vùng lãnh thổ có trên 100.000 lượt khách đến Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, danh sách các nước và vùng lãnh thổ có số khách đến Việt Nam đạt trên 100.000 lượt người như sau:
Philippines: 100.500 lượt; Canada: 105.000; Lào: 122.800; Anh: 184.700; Singapore: 195.800; Pháp: 209.900; Thái Lan: 269.000; Nga: 298.100; Australia: 319.600; Malaysia: 339.500; Campuchia: 342.300; Đài Loan: 399.000; Mỹ: 432.200; Nhật Bản: 604.100; Hàn Quốc: 604.100; Trung Quốc: gần 1,908 triệu lượt.
Danh sách trên được nhận diện ở các góc độ khác nhau.
Cả 3 nước láng giềng có biên giới đường bộ chung với Việt Nam (Trung Quốc, Campuchia, Lào) đều nằm trong “câu lạc bộ” (CLB) trên. Chỉ với 3 nước này trong năm 2013 đã đạt gần 2,373 triệu lượt người, chiếm gần 1/3 tổng số lượt khách đến Việt Nam (31,3%).
Ngoài yếu tố láng giềng, có biên giới đường bộ chung; có quan hệ lâu đời; có nhiều cửa khẩu biên giới, nên ngoài buôn bán chính ngạch có kim ngạch lớn, còn có buôn bán tiểu ngạch, buôn bán trực tiếp thông qua các chợ biên giới, với doanh số không nhỏ (lên đến hàng trăm triệu USD như với Lào, lên đến hàng tỷ USD như Campuchia, Trung Quốc).
Có quá nửa (6-11 nước ASEAN) đều nằm trong “câu lạc bộ”, với tổng số khách đạt gần 1370 nghìn lượt người, chiếm 18,1% tổng số. Một số nước trong khu vực này có tỷ lệ số khách đến Việt Nam trong tổng dân số khá cao, như Sigapore, Lào, Campuchia.
Hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trong CLB đều có quan hệ đầu tư, buôn bán lớn với Việt Nam. Cụ thể:
Mỹ là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu lớn nhất (năm 2013 lên đến 23,7 tỷ USD); có vốn FDI đăng ký năm 2013 đứng thứ 14 và tính từ 1988 đến nay đứng thứ 7 trong các nước và vùng lãnh thổ (với tổng lượng vốn đăng ký của các dự án còn hiệu lực đạt gần 10,6 tỷ USD). Mỹ cũng là nước có số Việt kiều đông nhất thế giới.
Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu lớn thứ ba (13,1 tỷ USD), là thị trường xuất/nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (49,9 tỷ USD); FDI đăng ký năm 2013 đứng thứ 3 (hơn 2,276 tỷ USD) và tính từ năm 1988 đến nay đứng thứ 10 (với gần 7 tỷ USD).
Nhật Bản là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu lớn thứ hai (13,6 tỷ USD), là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn thứ 3 (11,6 tỷ USD); là đối tác đầu tư FDI lớn thứ 4 trong năm 2013 (1,295 tỷ USD) và tính từ năm 1988 đến nay đứng thứ nhất (với gần 30 tỷ USD). Nhật Bản cũng là nước có lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam. Đáng lưu ý, đồng yên Nhật đang giảm giá mạnh so với USD và VND, nên doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có lợi hơn khi xuất khẩu, đầu tư, du lịch Việt Nam.
Hàn Quốc là thị trường xuất/nhập khẩu lớn của Việt Nam (xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 20,8 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu đạt 27,5 tỷ USD- đứng thứ hai trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới). FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2013 đạt 3752,1 triệu USD, đứng thứ nhất và tính từ 1988 đến nay đạt gần 29 tỷ USD, đứng thứ hai trong các đối tác đầu tư vào Việt Nam.
Đài Loan là thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Việt Nam (xuất khẩu trên 2,2 tỷ USD, nhập khẩu gần 9,3 tỷ USD). FDI của Đài Loan vào Việt Nam năm 2013 đạt 400 triệu USD, đứng thứ 7; tính từ 1988 đến nay đạt 27,5 tỷ USD, đứng thứ 3.
Campuchia tuy dân số trung bình chỉ có 15 triệu người; nhưng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2013 ước đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 10 trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Lượng vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp vào Campuchia tính đến hết năm 2012 đạt gần 2,6 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư.
(Theo chinhphu.vn)