CPI tháng 1-2014 tại 2 thành phố lớn tăng nhẹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2014 trên địa bàn TP. Hà Nội tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 6,78% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó rổ hàng hóa tính CPI, có 10/11 nhóm hàng tăng, đáng lưu ý, có 2 nhóm hàng tăng trên 1% là nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 1,29%), nhóm giao thông (tăng 1,19%); riêng nhóm bưu chính - viễn thông bằng tháng 12-2013.
Người dân mua sắm tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao Tiền Giang năm 2013. Ảnh: Vân Anh |
Các nhóm hàng hóa tăng dưới 1% gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,77%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,99%; giáo dục tăng 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,86%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,76%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,6%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,31%.
Theo số liệu của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2014 của TP. Hồ Chí Minh đã tăng 0,4% so với tháng trước.
Trong 11 nhóm hàng chính tính chỉ số giá, có duy nhất nhóm y tế giảm 0,12% so với tháng trước.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (có quyền số lớn nhất) chỉ tăng nhẹ 0,16% so tháng trước. Trong đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tháng chỉ tăng nhẹ 0,16% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,33%, thực phẩm tăng 0,19% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%.
Nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm giao thông tăng khá mạnh ở các mức 1,2% và 1,24% so tháng trước. Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu các loại ngày 18-12-2013 cũng có tác động tăng giá lên nhóm hàng này và nhóm giao thông.
Một phần nguyên nhân là chương trình bình ổn giá được triển khai trên khắp địa bàn thành phố TP. Hồ Chí Minh với gần 7.800 điểm bán hàng bình ổn giá trong đó có tập trung vào các mặt hàng thực phẩm chủ yếu như trứng, dầu ăn, đường, thịt chế biến… là nguyên nhân chủ yếu khiến giá các mặt hàng lương thực tăng thấp nhất vào tháng giáp Tết trong vòng 10 năm trở lại đây.
Càng giáp Tết, sức mua đang tăng dần, nhưng giá chưa có biến động lớn trong khi nguồn cung thị trường khá dồi dào. Mức tăng thấp của CPI tháng giáp Tết khá thấp một phần do sức mua trên thị trường không mạnh, do người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Đồng thời các chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu cũng khiến việc giá tiêu dùng cũng kiềm chế, không có hiện tượng sốt giá.
(Theo chinhphu.vn)