Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL
Chiều 15-1, tại TP. Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2014. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng còn nhiều thách thức
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ước đạt 9,06%, cao gấp gần 2 lần bình quân cả nước; giá trị sản xuất nông nghiệp toàn vùng đạt 164.534 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2012. Xuất khẩu nông sản, thủy sản đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu chung của cả nước, với kim ngạch đạt 10,6 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%. An ninh chính trị cơ bản được đảm bảo.
Mô hình xen canh lúa - cá tại huyện Cai Lậy đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Ảnh: Vân Anh |
Tuy nhiên, các đại biểu dự hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn mà vùng Tây Nam bộ đang phải tiếp tục đối mặt, đó là kinh tế phát triển còn thiếu bền vững, liên kết sản xuất chưa bài bản, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Cụ thể, toàn vùng đang thực hiện 225 mô hình cánh đồng mẫu lớn, với hơn 66.000 ha, chỉ chiếm 4,16% diện tích xuống giống. Cá tra là sản phẩm chủ lực của vùng nhưng nông dân đang lỗ (khoảng 1.000 đồng/kg) do giá cá nguyên liệu xuống thấp trong khi giá đầu vào tăng cao…
Các lĩnh vực khác như hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn lao động và cơ cấu đào tạo lao động nông nghiệp vẫn là những vấn đề khó mà vùng chưa giải quyết được. Một số ý kiến còn cho rằng nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản của vùng hiện còn thiếu trong khi đây là nơi đang thu hút tới 30% số lao động của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách để phát huy lợi thế (ví dụ chính sách liên kết vùng) còn chậm được triển khai; chương trình xây dựng nông thôn mới chưa thật khởi sắc khi toàn vùng hiện mới có 1 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
Từ những khó khăn đó, các đại biểu đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp, liên kết hành động; các Bộ, ngành Trung ương quan tâm vào cuộc để cùng tháo gỡ vướng mắc về cơ chế cho vùng phát triển.
Thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Đồng tình với đánh giá về kết quả đạt được và những thách thức mà toàn vùng phải tìm cách giải quyết, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các tỉnh trong vùng tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển cùng với việc tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo đó, các tỉnh cần rà soát lại quy hoạch sản xuất cho phù hợp với quy hoạch chung của vùng và cả nước, gắn với thị trường tiêu thụ; lựa chọn và phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của vùng (hiện nay được xác định là lúa gạo và cá tra); đẩy mạnh liên kết nông dân và doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng giá trị của sản phẩm.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vì đây là chương trình dài hạn nên các địa phương phải kiên trì thực hiện, không chạy theo thành tích mà chỉ chọn những tiêu chí quan trọng (như tiêu chí sản xuất) để tập trung thực hiện. Nếu làm tốt sẽ tạo được động lực thực hiện các tiêu chí khác.
Bên cạnh đó, từ năm 2014 tới năm 2016, Chính phủ sẽ phát hành thêm 5.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tăng thêm nguồn lực thực hiện, do vậy các địa phương cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư này.
Phó Thủ tướng lưu ý, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh cần nắm chắc tình hình quốc phòng, an ninh trong vùng để có các phương án xử lý, cần chủ động quy hoạch các tuyến dân cư biên giới để phát triển kinh tế vùng biên để thêm nguồn lực đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu các địa phương chú ý việc chăm lo Tết Nguyên đán cho bà con các dân tộc trong vùng, kiểm soát cung - cầu và giá các mặt hàng để đảm bảo nhân dân đón Tết vui xuân đầm ấm.
(Theo chinhphu.vn)