Để trái cây "sạch" vươn xa
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng xuất khẩu trái cây, ngành NN&PTNT các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, sản xuất theo quy trình an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, trong đó việc sản xuất trái cây theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được chú trọng. Thực tế, việc áp dụng quy trình này cho hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức còn gặp không ít khó khăn.
Ảnh: Huỳnh Hùng |
Hiệu quả to lớn
ĐBSCL hiện có 300 ngàn ha cây ăn trái các loại, với tổng sản lượng 3 triệu tấn trái cây/năm, trong đó có nhiều loại trái cây ngon, giá trị kinh tế cao như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh… Để cho các loại trái cây ngon của ta có thể vươn xa ra thị trường thế giới, nhất thiết phải sản xuất theo GAP. Đến nay, chương trình GAP đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL, trong đó Tiền Giang là nơi đi đầu, với khá nhiều chủng loại trái cây khác nhau.
Từ khi có chủ trương thực hiện quy trình GAP, Tiền Giang đã chủ động phối hợp với các viện, trường đại học và doanh nghiệp mở nhiều lớp tập huấn cho các tổ liên kết, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo quy trình GAP. Những đối tượng được chọn lựa để sản xuất theo quy trình GAP của Tiền Giang là các loại cây ăn trái đặc sản có khả năng xuất khẩu cao.
Với sự hỗ trợ từ nhiều phía, giữa năm 2008, HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Tiếp sau đó, nhiều loại trái cây đặc sản khác như: thanh long Chợ Gạo, khóm Tân Phước, xoài cát Hòa Lộc, sơri Gò Công, nhãn Nhị Quý cũng đã lần lượt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Các địa phương khác trong khu vực như: Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… cũng đã tích cực triển khai GAP trên nhiều loại cây ăn trái chủ lực của mình. Cụ thể tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2008, với 24 ha bưởi Năm Roi ở HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh) cũng đã được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP.
Đến năm 2012, 25 ha chôm chôm của HTX chôm chôm Tân Khánh (huyện Trà Ôn) cũng đã đạt được chứng nhận Global GAP. Còn tại Bến Tre, sau 3 năm nỗ lực thực hiện GAP, đã có nhiều loại trái cây chủ lực như bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt… lần lượt được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn GAP.
Không chỉ nhắm đến thị trường xuất khẩu, việc sản xuất trái cây theo hướng GAP cũng rất chú trọng đến những loại cây ăn trái có giá trị cao ngay trên thị trường nội địa, nhằm tạo được lợi ích thiết thực và bền vững, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với bà con nông dân.
Còn nhiều khó khăn
Nhiều mô hình đạt tiêu chuẩn, hiệu quả mang lại to lớn, nhưng nông dân áp dụng mô hình thường xuyên gặp tình trạng “được mùa - rớt giá” hay bị tư thương ép giá... Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu đạt được hàng năm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của khu vực.
Một nghịch lý xảy ra phổ biến là bà con nông dân thì thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ trái cây vào những lúc thu hoạch rộ, còn doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản thì lại kêu thiếu nguyên liệu đạt chất lượng để xuất khẩu.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến những nguyên nhân cơ bản như diện tích trồng cây ăn trái ở đây còn manh mún, nhỏ lẻ; chất lượng chưa cao; mẫu mã không đồng đều… Đặc biệt là việc sản xuất trái cây còn mang nặng tính chất tự phát, quy trình kỹ thuật thiếu an toàn.
Bao trái vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn GAP. |
Nông dân trong tỉnh chủ yếu sản xuất theo kiểu tự phát, một số địa phương chưa chú trọng quy hoạch phát triển sản xuất, doanh nghiệp thu mua nông sản thất thường… Vì vậy, để tránh tình trạng cung vượt quá cầu và thuận lợi trong việc tiêu thụ nông sản, tỉnh đã quy hoạch các vùng sản xuất nông sản. Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, trong những năm tới, Tiền Giang sẽ tập trung phát triển sản xuất nông - ngư nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.
Cụ thể, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng 15.500 ha cây ăn trái đạt chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, 1.650ha đạt chứng nhận VietGAP và 1.000 ha đạt chứng nhận Global GAP. Xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản với 80% nông dân trong vùng được cập nhật quy trình và kỹ năng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu tối thiểu 2.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...
Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, giúp nông dân sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, tỉnh Tiền Giang cần đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
S. NGUYÊN