Hàng hóa Tết dồi dào, chỉ chờ người mua
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đang gần kề. Thị trường hàng hóa Tết đã bắt đầu sôi động. Cùng với người tiêu dùng tăng chi tiêu mua sắm trong dịp Tết, các nhà bán lẻ, nhà sản xuất đã cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết.
Khách hàng lựa chọn mua hàng hóa Tết tại Co.op Mart Mỹ Tho. |
Tại nhiều doanh nghiệp, so với mùa Tết năm ngoái, lượng hàng chuẩn bị cho mùa kinh doanh năm nay tăng từ 10-15%, có những mặt hàng tăng đến 30%, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Tiền Giang cho biết, hàng năm bước vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, sức mua nhiều loại thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gia cầm các loại... thường tăng mạnh.
Thời gian qua, có nhiều lo ngại về nguồn cung heo hơi sẽ bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nguồn cung heo hơi trên thị trường vẫn dồi dào. Với số lượng đàn heo của công ty hiện nay sẽ không chỉ đảm bảo cung ứng cho thị trường trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh. Công ty đã chuẩn bị 5 tấn gà sạch, nguyên con và 100 tấn heo hơi để phục vụ Tết…
Ngoài ra, theo kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, Co.op Mart Mỹ Tho còn chuẩn bị 7 tấn thịt gia cầm, gia súc kinh doanh mùa Tết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác còn chuẩn bị 33 tấn lạp xưởng cung ứng thị trường Tết. Thời điểm này đã cận Tết Nguyên đán nên giá bán các loại thực phẩm như thịt heo, lạp xưởng, các loại thịt gia cầm… có tăng nhưng không đáng kể. Cụ thể, heo hơi vẫn dao động ở mức từ 5,2 - 5,5 triệu đồng/tạ; lạp xưởng có giá bán từ 120.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại và nhãn hiệu, tăng từ 5-10% so với năm ngoái.
Bánh kẹo cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Hầu hết các doanh nghiệp chuẩn bị lượng bánh kẹo phục vụ Tết năm nay tăng từ 20 - 30%, trong đó bánh kẹo của các thương hiệu Việt chiếm đến 90% như: Kinh đô, Bibica, Hải Hà... Theo dự báo của các doanh nghiệp, sức mua bánh kẹo trong những ngày Tết sẽ tăng gấp 3-4 lần ngày thường và hiện giá các loại bánh kẹo đã tăng từ 10-15%.
Ở kênh phân phối bán lẻ, ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Co.op Mart Mỹ Tho cho biết, siêu thị đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 4 lần so với những tháng kinh doanh bình thường. Dự kiến sức mua và lượt khách trong thời gian này và sắp tới sẽ tăng 3 - 4 lần so với những ngày thường.
Để phục vụ cho mùa kinh doanh Tết, siêu thị dự trữ 300 tấn hàng hóa các loại với tổng số vốn 68,8 tỷ đồng. Với tiến độ thực hiện dự trữ hàng hóa như hiện nay, Co.op Mart Mỹ Tho dự báo sẽ không có hiện tượng thiếu hàng phục vụ Tết. Mặt khác, siêu thị đã chuẩn bị nhiều chương trình khuyến mãi, giá tốt cho người tiêu dùng.
Khách hàng lựa chọn mua hàng hóa Tết tại Co.op Mart Mỹ Tho. |
Dự báo tình hình biến động giá trong thời gian cận Tết; đồng thời nhằm tránh điệp khúc “Tết là tăng giá”, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết gồm: Công ty TNHH Tiền Giang - Sài Gòn (Co.op Mart Mỹ Tho), HTX Thương mại Dịch vụ Phường 1, Công ty Lương thực Tiền Giang, DNTN Thương mại Dịch vụ Thành Phát, Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Tiền Giang, HTX Vĩnh Kim, HTX Thương mại Dịch vụ Song Thuận.
Tổng trị giá vốn được các doanh nghiệp dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết là 312,5 tỷ đồng (tăng 28 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán năm 2013), trong đó hàng hóa thiết yếu là 86,9 tỷ đồng (tăng 18 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán năm 2013). Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 cũng tăng so với Tết Nguyên đán 2013, gồm: Gạo các loại 715 tấn; 348 tấn đường; trên 1,1 triệu lít dầu ăn; 561 tấn bột ngọt; 106 tấn thịt gia súc; 6,5 tấn thịt gia cầm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh với tổng số vốn vay trong thời hạn 4 tháng là 30,3 tỷ đồng, để dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Do đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải chuẩn bị lượng hàng tăng từ 20-40% so với nhu cầu tiêu dùng bình thường, đặc biệt tập trung vào một tháng trước và sau Tết, với giá được các doanh nghiệp cam kết sẽ thấp hơn ít nhất 5% so với giá bình quân của hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trên thị trường.
Như vậy, chỉ tính riêng nguồn hàng hóa Tết của các doanh nghiệp bình ổn mặt hàng lương thực, thực phẩm lượng dự trữ phục vụ Tết đã chiếm khoảng 30-40% nhu cầu thị trường.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu về số lượng hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp của tỉnh còn chủ động tăng cường kênh phân phối, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng thông qua Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Sở Công thương tổ chức ngày 20-1-2014 tại xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) và ngày 25-1-2014 tại xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo). Điều này không chỉ giúp cho việc lưu thông, phân phối hàng hóa trên toàn tỉnh thêm thuận lợi, mà còn góp phần bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đến thời điểm này, thị trường Tết Nguyên đán đã bắt đầu sôi động, với lượng hàng hóa dồi dào, sẵn sàng phục nhu cầu mua sắm của người dân.
PHƯƠNG NGHI
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn dễ dàng hơn Tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các doanh nghiệp đã thực hiện khá tốt việc treo băng rôn hay đăng bảng thông báo tại các điểm hoặc khu vực bán hàng bình ổn; đồng thời việc niêm yết giá bán các mặt hàng bình ổn cũng được các doanh nghiệp thực hiện một cách công khai cụ thể để thông báo rộng rãi đến người tiêu dùng. Theo nhiều người tiêu dùng thì năm nay việc mua hàng bình ổn giá đã dễ dàng hơn, vì các điểm bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp đều có treo băng rôn và bảng thông báo cho từng mặt hàng. Các mặt hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng đã có giá thấp hơn 5% so với hàng cùng loại và cùng chất lượng ngoài thị trường. |