Thứ Tư, 15/01/2014, 07:59 (GMT+7)
.

Hàng Việt đã có mặt tại tất cả các hệ thống phân phối

Theo bà  Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao, trong năm 2013, chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh việc mở rộng phạm vi cũng như kênh phân phối tới tất cả các địa phương trong cả nước thì chương trình đã chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng về ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn hàng Việt tại các hệ thống mua sắm, siêu thị trên cả nước.

Các mặt hàng tại siêu thị
Các mặt hàng tại hệ thống siêu thị Coopmart Mỹ Tho. Ảnh: Như Lam

Tại các hệ thống siêu thị Coopmart, Maximark... hiện tại hàng Việt chiếm từ 98-99%. Đối với các hệ thống siêu thị của nước ngoài đầu tư như Big C, Lotemax, Metro thì tỷ lệ hàng nông sản, rau củ quả, thực phẩm đã chiếm tới 85%, các mặt hàng gia dụng "made in Việt Nam" cũng đang chuyển dịch từ 60% năm 2012 lên gần 70% năm 2013.

Để phát triển chiều sâu, chương trình đã đa dạng hóa và có nhiều điểm mới so với những năm trước đây. Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố cũng đã thu hút 189 đơn vị các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ, các tỉnh phía Bắc và 156 đơn vị TP. Hồ Chí Minh tham dự với 229 hợp đồng nguyên tắc được ký kết, trong đó toàn bộ hàng hóa đều do các doanh nghiệp Việt cung cấp.

Cụ  thể tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2013 tại các chương trình bình ổn thị trường với  7.665 điểm bán hàng tại quận ven, huyện ngoại thành, có tới hơn 98% hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam.

Đồng thời, việc kết nối giữa doanh nghiệp với Ngân hàng đã giải quyết khó khăn về vốn cho rất nhiều doanh nghiệp để duy trì và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt tháo gỡ khó khăn về tài chính.

Hiện đã có 13.151 tỷ đồng được cam kết hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại cho hơn 600 doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam với lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 9%/năm để đầu tư về công nghệ, máy móc và nguyên liệu. Tính đến 31-12-2013 đã giải ngân 11.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên để chương trình có sức lan tỏa tới cộng đồng một cách sâu rộng hơn nữa, theo bà Vũ Kim Hạnh cần chú trọng tới kênh phân phối để đưa hàng Việt có mặt tại tất cả các địa phương trong cả nước, không kể thành thị, nông thôn mà cả những vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, chú trọng vào những chương trình bình ổn giá qua việc hợp tác chặt chẽ, có chiến lược giữa các doanh nghiệp sản xuất với các nhà phân phối.

Bên cạnh đó, hàng Việt phải thật sự có chất lượng tốt, tức là các doanh nghiệp Việt phải không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa cùng với việc đưa ra những sản phẩm đa dạng với chi phí hợp lý để gắn kết người tiêu dùng với hàng Việt một cách bền chặt.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.