Thứ Tư, 29/01/2014, 06:36 (GMT+7)
.

Khắp nơi sôi động thị trường Tết

Ở thời khắc mà mọi người, mọi nhà chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới cũng là lúc thị trường Tết đang vào cao điểm. Các thương nhân, nông dân bắt đầu “tung hàng” ra chợ Tết, còn người tiêu dùng đổ về chợ mua sắm để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, vui chơi trong những ngày đầu xuân.

Sức mua tăng cao

Tình hình mua sắm Tết năm nay đã có sự phân hóa mạnh về sức mua giữa kênh phân phối chợ truyền thống và kênh mua sắm hiện đại là siêu thị, cửa hàng tiện ích. Vào những ngày cuối tuần (25, 26 tháng Chạp) tại Co.op Mart Mỹ Tho luôn có đông đảo khách hàng đến mua sắm.

Nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng, kể từ ngày 20-1 (20 tháng Chạp) Co.op Mart Mỹ Tho đã nới rộng khung giờ mở cửa từ 7 - 23 giờ. Ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Co.op Mart Mỹ Tho cho biết, hiện sức mua tại siêu thị đã tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, tập trung vào những mặt hàng bánh mứt Tết, thực phẩm tươi sống, bia, nước giải khát... 

Khách hàng mua sắm tại gian hàng Tết của cửa hàng bách hóa HTX Thương mại - Dịch vụ phường 1 (trên đường Lê Lợi, TP. Mỹ Tho).
Khách hàng mua sắm tại gian hàng Tết của cửa hàng bách hóa HTX Thương mại - Dịch vụ phường 1 (trên đường Lê Lợi, TP. Mỹ Tho).

Riêng tại các cửa hàng bách hóa của HTX Thương mại - Dịch vụ phường 1 (TP. Mỹ Tho), lượng khách hàng đến mua sắm Tết rất đông. Khách hàng phải chen nhau để lựa chọn hàng hóa. Ở tất cả các cửa hàng bách hóa của HTX đều có gian hàng bán hàng bình ổn giá, đặc biệt một số cửa hàng bách hóa còn trưng bày gian hàng Tết nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Sức mua tại các cửa hàng bách hóa thuộc hệ thống HTX đã tăng từ 30-40% so với ngày thường. 

Tại các chợ truyền thống, hàng Tết (đặc biệt là các loại thịt gia súc, gia cầm, trái cây, hoa các loại) được bày bán rất nhiều, khách đi chợ đông hơn, do thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã cho công nhân, lao động nghỉ Tết và những ngày cận Tết rơi vào những ngày nghỉ cuối tuần khi nhiều người được nghỉ làm đã tranh thủ đi mua sắm.

Theo nhận định của Sở Công thương, khó có khả năng xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào cao điểm mua sắm Tết. Bởi trên địa bàn tỉnh có hệ thống phân phối hàng hóa khá lớn với khoảng 172 chợ, 5 trung tâm thương mại và 6 siêu thị, cùng với hàng ngàn cửa hàng tiện ích sẽ đảm bảo cung cấp cho thị trường lượng hàng hóa phong phú, đa dạng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 7 doanh nghiệp tham gia thực hiện việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, với tổng trị giá vốn 312,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng đã tăng lượng dự trữ hàng hóa Tết từ 40-50% so với kế hoạch đăng ký và cam kết cung cấp hàng hóa kịp thời, đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Chợ hoa Xuân Mỹ Tho: Chờ giờ G…

Càng cận Tết, người đi tham quan, mua sắm ở Chợ hoa Xuân càng nhiều. Quá quen với quất, mai, cúc, hồng, vạn thọ, đỗ quyên... từ Cái Mơn (Bến Tre), TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), người đi chợ hoa để mua hoa về chưng ba ngày Tết, nhưng cũng có người đi chợ hoa chỉ để thưởng lãm sắc hoa cho thỏa thích mà chẳng mua món gì.

Cũng chen lấn, rồi ngắm nghía, trả giá, khen cây mai này hoa nhiều, thế đẹp mà đắt tiền quá; chậu cúc kia tươi tốt, hoa đều; giỏ nọ đẹp nhưng chỉ còn 1 nên không mua... vậy là đủ. Và có lẽ, như là một niềm hạnh ngộ, người ta đi chợ hoa để đón xuân sớm, rước xuân về nhà, để gặp nhau, hẹn hò năm mới.

Năm nào cũng vậy, 20 Tết là anh Nguyễn Văn Minh, làng hoa Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho lại dọn hàng ra bán tại Chợ hoa Xuân. Hàng của anh chỉ bày trên 100 chậu cúc, khách mua hết thì anh tiếp tục mang ra. Ban đêm, người đi chơi Chợ hoa Xuân đông nên anh bán được nhiều hơn. Dưới ánh đèn điện mờ, trong làn sương mỏng, chợ hoa càng trông càng huyền ảo. Phải là đêm, Chợ hoa Xuân mới như rực lên sức sống mùa xuân. Người bán người mua tấp nập, nhất là từ đêm 24, 25 Tết trở đi.

Ông Nguyễn Thành Tâm, ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) bày bán 150 chậu cúc mâm xôi tại Hội hoa Xuân Công viên Lạc Hồng với giá 150.000 đồng/cặp. Đã 4 ngày mà lô hàng của ông chưa bán được bao nhiêu.

“Nhiều người có tâm lý thích đi Chợ hoa Xuân vào giờ chót (đêm Giao thừa) hay hơn nữa là cận giờ Giao thừa vì cho rằng lúc ấy thế nào hoa cũng rẻ. Thì cũng có năm hoa rẻ thật, nhưng cũng có năm hoa đắt đến cuối giờ. Chính vì cái nếp nghĩ chờ tới giờ chót mua cho rẻ của nhiều người đã khiến không ít người bán hoa luôn phải sống trong trạng thái hồi hộp. 27, 28 Tết nhìn hoa còn nguyên là bắt đầu lo lắng, đến Giao thừa mới thực biết mình bán được hay không” - ông Tâm nói.

Theo quan sát của chúng tôi, đến thời điểm này, người bán tại Chợ hoa Xuân TP. Mỹ Tho đã “trám” đầy các lô nhưng người mua chưa nhiều. Hiện tại, ngày cũng như đêm, người dân chỉ đi tham quan, thưởng lãm ở Chợ hoa Xuân rất nhiều, nhưng chuyện mua bán vẫn chờ đến thời điểm cuối.

Trái cây: Tất bật đưa ra miềnBắc

Những ngày qua, trái cây từ khắp nơi ồ ạt đổ về chợ đầu mối trái cây. Các chợ sôi động suốt ngày đêm, trong đó tất bật nhất là các vựa đóng hàng đưa đi tiêu thụ ở thị trường miền Bắc. Tuy nhiên, theo các nhà vườn và thương lái, lượng trái cây về chợ năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Đóng thùng trái cây chuyển đi thị trường phía Bắc.
Đóng thùng trái cây chuyển đi thị trường phía Bắc.

Ghi nhận của chúng tôi tại chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim - chợ trái cây lớn bậc nhất của tỉnh - vào chiều ngày 24 tháng Chạp, lượng bưởi, xoài về chợ còn ít. Tuy đang vào vụ thu hoạch nhưng lượng vú sữa về chợ cũng không nhiều so với mọi năm. Chỉ riêng có lượng sa pô về chợ không giảm. Trong khi đó, khác với mọi năm, 2 ngày qua, dưa hấu, khóm về chợ và xuất đi khá mạnh.

Theo các thương lái, từ ngày 20 - 26 tháng Chạp là thời điểm chợ trái cây sôi động nhất do các thương lái tranh thủ thu mua trái cây đóng thùng vận chuyển ra thị trường phía Bắc cho kịp chợ Tết. Song, lượng cung không đủ, giá tăng cao trong mấy ngày qua, trong khi người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên khiến cho thương lái không ít lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Vui (Tổ Quản lý chợ Trái cây Vĩnh Kim) cho biết, từ nay đến thời điểm kết thúc các chuyến hàng đi miền Bắc - thời điểm chợ sôi động nhất - chỉ còn 1 - 2 ngày mà chợ vẫn còn rất vắng, dù thị trường trái cây Tết đã khởi động từ nhiều ngày qua.

Theo ông, trong số các loại trái cây sụt giảm sản lượng về chợ so với mọi năm thì bưởi, xoài giảm mạnh nhất, kế đến vú sữa. Bởi bưởi bị sâu đục trái gây hại nặng ở nhiều nơi, xoài bị thất mùa, còn vú sữa chín không tập trung vào thời điểm cận Tết như những năm trước là nguyên nhân làm cho chợ trái cây Vĩnh Kim kém sôi động. Sản lượng giảm dẫn đến giá cả trái cây cao hơn so với cùng kỳ năm trước là điều khó tránh khỏi, thậm chí nhiều loại trái cây có giá khá cao như bưởi da xanh, vú sữa, thanh long.

Theo ước tính của ông, mấy ngày qua, vú sữa về chợ từ 150-200 tấn/ngày đêm, giảm 30%; bưởi từ 30-40 tấn, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước; sa pô từ 60-70 tấn; cam 50 tấn; lượng xoài về chưa đáng kể (chỉ vài trăm kg/ngày đêm), còn quýt vẫn chưa về chợ. Riêng 2 ngày qua, dưa hấu về chợ rất nhiều, khoảng 100 tấn.

Còn giá cả nhìn chung tốt hơn năm rồi. Giá bưởi da xanh đang ở mức 45.000 đồng/kg (1,5 kg/trái), sa pô 14.000 đồng/kg; vú sữa từ 14.000-22.000 đồng/kg. “Ngày 26, 27 là 2 ngày quyết định Chợ trái cây Tết Vĩnh Kim năm nay. Nhưng đến giờ có thể cho thấy, Chợ trái cây Tết năm nay không sôi động như mọi năm” - ông Vui nói.

P. NGHI - S.NGUYÊN - N. VĂN

Thành lập khu chuyên bán hàng hóa Tết

Ngay từ ngày rằm tháng Chạp, TP. Mỹ Tho đã lập hẳn một khu riêng biệt với hơn 10 gian hàng chuyên cung cấp hàng hóa Tết từ bánh, mứt, kẹo, các loại hạt, giỏ quà Tết cho đến lạp xưởng trên đường Lê Văn Duyệt (phường 1, TP. Mỹ Tho) để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Hiện tình hình mua sắm tại khu vực này cũng khá nhộn nhịp.

Theo nhiều tiểu thương, giá cả các loại mứt Tết năm nay tăng từ 5% - 7% so với năm rồi. Cụ thể, giá các loại mứt Tết như: Mứt khoai, mứt gừng, mứt mãng cầu, mứt sen... có giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Ngoài ra, dưa hấu chưng Tết cũng đã được bày bán nhiều trên các đường phố TP. Mỹ Tho với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.

 

.
.
.