Thứ Ba, 28/01/2014, 06:43 (GMT+7)
.

Mùa xuân thứ 6 và những dấu ấn

Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế chung còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội của huyện Tân Phú Đông đều đạt và vượt. Có được kết quả trên là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện cù lao. Đây là tiền đề mở ra cho huyện mới phát triển mạnh mẽ ở các năm sau.

Dấu ấn nông nghiệp

Có thể nói, năm 2013 là năm sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt nhiều thắng lợi. Phần lớn các loại nông sản quan trọng, có lợi thế phát triển đều được mùa, trúng giá. Về Tân Phú Đông trong những ngày cuối năm Quý Tỵ, trong cái se se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán, không khí chuẩn bị đón xuân của người dân đang rộn rả khắp nơi. Không còn nét trầm ngâm, lo lắng vì thất mùa, rớt giá trên khuôn mặt của những nông dân tay lấm chân bùn như những năm trước, thay vào đó là tâm trạng phấn khởi vì được mùa, trúng giá.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, năm 2013, huyện xuống giống 4.500 ha lúa (do nhiễm phèn, mặn nên chỉ sản xuất 2 vụ/năm), tập trung ở vùng đê bao Phú Thạnh - Phú Đông, năng suất bình quân 4,35 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 9 triệu đồng/ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất lúa, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nông dân tiếp tục chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng cây màu với diện tích lên đến 810 ha, trong đó cây sả 500 ha.

Cây sả đã có một năm thắng lợi khi giá cả khá ổn định (khoảng 4.000 đồng/kg), năng suất bình quân 20 tấn/ha/vụ. Từ đó, lợi nhuận bình quân người trồng sả thu được 75 triệu đồng/ha, gấp 8,33 lần so với trồng lúa.

Phà và bến phà Tân Long đã được đầu tư mới.
Phà và bến phà Tân Long đã được đầu tư mới.

Cây ăn trái tiếp tục được nông dân lựa chọn để chuyển đổi những cây trồng khác kém hiệu quả. Toàn huyện có 1.200 ha trồng cây ăn trái, trong đó có 528 ha mãng cầu Xiêm, tập trung ở xã Tân Phú và xã Tân Thạnh.

Theo chiết tính, năng suất mãng cầu Xiêm bình quân 22 tấn/ha, giá trung bình trên 12.000 đồng/kg (có thời điểm trên 30.000 đồng/kg), lợi nhuận bình quân trên 200 triệu đồng/ha nên nhà vườn rất phấn khởi. Từ kết quả đó, thương hiệu cây mãng cầu Xiêm tiếp tục được khẳng định ở nhiều nơi, vượt ra ranh giới của một tỉnh, thị trường không ngừng mở rộng (nhiều thời điểm cung không đủ cầu).

Cây dừa có diện tích 3.100 ha. Tuy nhiên, do giá cả không ổn định nên một số nhà vườn đốn dừa năng suất thấp chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi tôm. Những tháng cuối năm, giá dừa có xu hướng phục hồi, người trồng dừa cũng an tâm phần nào. Tuy những tháng đầu năm, mô hình nuôi tôm công nghiệp tập trung xảy ra dịch bệnh, nhưng sau đó mầm bệnh được khống chế nên phần lớn người nuôi đạt lợi nhuận cao.

Đối với tôm sú, sản lượng bình quân đạt 5 tấn/ha/vụ, giá bán bình quân 160.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt khoảng 380 triệu đồng/ha. Còn tôm thẻ, năng suất bình quân 10 tấn/ha/vụ, giá bán bình quân 115.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 430 triệu đồng/ha (cá biệt có hộ lờ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/vụ). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có mô hình tôm - lúa phát triển trên 500 ha, lợi nhuận bình quân khoảng 60 triệu đồng/ha.

Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp với những hộ nghèo, ít vốn, cần nhân rộng trong thời gian tới. “Năm qua, cơ bản sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện đều khá tốt. Phát huy kết quả này, năm 2014, ngành tập trung vào chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, nhân rộng mô hình hiệu quả, trong đó chú trọng mô hình lúa - tôm, cây màu trên đất lúa, cây mãng cầu Xiêm….” - ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội

Xuân Giáp Ngọ là mùa xuân thứ 6 của huyện mới Tân Phú Đông. Huyện cù lao chào đón mùa xuân mới này với tâm trạng phấn khởi, trọn vẹn khi hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội trong năm qua đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Nhưng đối với người dân, niềm vui lớn nhất là nhiều công trình hạ tầng cơ sở quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện mới sau thời gian triển khai đầu tư được khánh thành, đưa vào sử dụng trong năm. Đó là bến phà có thể tiếp nhận phà 2 lưỡi đầu tiên của huyện được đưa vào sử dụng; trụ sở trung tâm y tế huyện được đưa vào hoạt động sau thời gian triển khai đầu tư xây dựng.

Trước đó, Tỉnh lộ 877B - tuyến đường huyết mạch của huyện cù lao sau nhiều lần ‘lỗi hẹn” cũng được khánh thành và đưa vào sử dụng. Nhiều cơ sở trường học được đầu tư xây dựng mới giúp cho trẻ em cù lao có nơi học hành khang trang. Những kết quả trên đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Minh chứng rõ nhất cho những điều trên là giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản (lĩnh vực lợi thế số một của huyện) năm 2013 đạt 110,5% so với chỉ tiêu.

Sản xuất công nghiệp địa phương ngoài quốc doanh vẫn giữ được mức phát triển ổn định, với giá trị đạt 4,12 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch. Tuy nhiên, thành tích nổi bật nhất, ấn tượng nhất phải kể đến là giảm tỷ lệ hộ nghèo.

hiện Chương trình Giảm nghèo và việc làm của tỉnh, ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai đẩy mạnh công tác thoát nghèo và thoát nghèo bền vững xuống các xã, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho diện người có công, hộ nghèo và các đối tượng khác. Kết quả trong năm, huyện đã giảm 682 hộ nghèo so với chỉ tiêu đề ra 450 hộ, góp phần kéo giảm hộ nghèo của huyện đến nay xuống còn dưới 40%.

Dù kinh tế, xã hội của huyện có chuyển biến khá tốt trong năm qua, nhưng theo ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện, so với mong muốn và yêu cầu vẫn chưa đạt, một số kết quả đạt tốt nhưng chưa bền vững. Cụ thể, dù được trung ương, tỉnh quan tâm nhưng tiến độ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng còn chậm và nhiều khó khăn.

Toàn huyện có trên 30 bến đò, phà, trong đó có nhiều bến cần đầu tư, nâng cấp để tạo thuận lợi cho việc giao thông, vận chuyển hàng hóa; bão, triều cường ngày càng diễn biến phức tạp với cấp độ ngày càng cao, trong khi cơ sở hạ tầng và khả năng “tự chủ” của huyện vẫn chưa đảm bảo; cao trình hệ thống đê bao thấp không đảm bảo chống triều cường...

Nhằm tháo gỡ những khó khăn của huyện, trong buổi làm việc gần đây với huyện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Kim Mai cho rằng, năm 2014 có nhiều công trình hạ tầng lớn đầu tư trên địa bàn, huyện cần chủ động từ công tác chuẩn bị đầu tư đến thanh quyết toán công trình; thoát nghèo nhanh là tốt nhưng phải bền vững; chủ động trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là nông, lâm, thủy sản…

N.VĂN

.
.
.