Phấn đấu không còn cơ cấu dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm
Đó là mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng năm 2013 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2014.
Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm. |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng liên quan đến việc tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng trong thời gian tới là đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 13% so với năm 2013, nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến của nền kinh tế thị trường.
Tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các món nợ cũ, phấn đấu không còn cơ cấu dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm. Ưu tiên vốn tín dụng tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên như: Sản xuất hàng xuất khẩu; nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ; DN ứng dụng khoa học công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ.
Nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro. Theo đó, năm 2014 tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 2% trên tổng dư nợ; đồng thời ngành Ngân hàng sẽ cung cấp đầy đủ, kịp thời lượng tiền mặt cho nhân dân và DN, nhất là những ngày cao điểm như Lễ, Tết; tiếp tục phối hợp với ngành Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống và ngăn ngừa tiền giả, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị trên địa bàn.
Đánh giá về hoạt động tín dụng năm 2013, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, tuy tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, nhưng dư nợ tín dụng ngân hàng vẫn tăng trưởng cao.
Vốn tín dụng ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trên địa bàn tỉnh, nên tăng trưởng GDP của tỉnh trong năm tăng 9,5%.
Lãi suất huy động vốn điều chỉnh giảm liên tục, nhưng nguồn vốn huy động vẫn tăng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế. Các ngân hàng thương mại cũng chủ động giảm lãi suất cho vay, thực hiện tốt việc cơ cấu lại nợ để có hướng tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, hỗ trợ tích cực cho người vay SXKD có lãi.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn chấp hành tốt việc thực hiện các chính sách tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương chung của Chính phủ, với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ thị trường, thúc đẩy SXKD trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của NHNN, tuy lãi suất huy động liên tục giảm, nhưng đến cuối năm 2013, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 25.859 tỷ đồng, tăng 2.939 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng 12,8%. Riêng việc điều hành chính sách lãi suất cho vay, đến nay cơ cấu dư nợ có lãi suất cho vay dưới 9%/năm, chiếm gần 38%; từ 9-11%, chiếm trên 22%; trên 15% chỉ còn chiếm 0,93%.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ vay vốn giữa khách hàng và ngân hàng như gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn; thực hiện miễn, giảm lãi vốn vay, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu nợ lãi sau. Nhờ vậy, đã có 2.079 khách hàng với số dư nợ được cơ cấu lại trên 260 tỷ đồng…
THẾ ANH