Tăng hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất lúa vùng Nam bộ
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa, xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” theo hình thức chuỗi giá trị liên kết “4 nhà”… mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là những nỗ lực bước đầu trong quá trình tái cơ cấu lại ngành trồng trọt.
LUÂN CANH TRÊN NỀN ĐẤT LÚA
Theo Cục Trồng trọt, từ sau các hội nghị về đẩy mạnh luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa diễn ra vào đầu và giữa năm 2013, công tác chuyển đổi cây trồng đã có những chuyển biến tích cực góp phần tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Các vùng sản xuất được lựa chọn chuyển đổi là đất gieo trồng 3 vụ lúa trong năm (chuyển đổi ở vụ lúa kém hiệu quả nhất), nơi khó khăn về công tác thủy lợi, tiêu thụ lúa hàng hóa; vùng canh tác lúa ngoài quy hoạch, sản xuất lúa không hiệu quả, công tác phục vụ sản xuất chưa tốt.
Bước đầu, các tỉnh, thành trong vùng đã triển khai, thực hiện một số mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, năng suất lúa trên địa bàn thường không cao, chỉ từ 4,8 - 5 tấn/ha. Ngoài cây lúa, tỉnh còn có mía, khoai mì với diện tích cũng khá lớn, trong đó cây mía chỉ được trồng tập trung ở vùng cao, năng suất đạt 50 tấn/ha.
Thời gian gần đây, cây mía đã bắt đầu phát triển xuống vùng thấp và năng suất tăng lên từ 70-90 tấn/ha. Trên cơ sở đó, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ nông hộ trồng mía ở vùng đất thấp. Còn tại Bình Thuận, cây thanh long đang “lấn sân” sang những vùng trồng lúa kém hiệu quả.
Tỷ suất lợi nhuận từ trồng lúa hiện nay khá thấp và dự báo sẽ càng khó khăn hơn trong những năm tới. |
Trong khi đó, chuyển dịch cây trồng trên nền đất lúa (chủ yếu luân canh) đang được các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm triển khai và bước đầu mang lại kết quả khá tốt. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn góp phần cải tạo đất, giảm mức độ thâm canh, giảm áp lực sâu bệnh...
Trong vụ hè thu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp xúc tiến mô hình sản xuất đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm tại ấp Tân Lập và Tân Bình (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) với 40 ha; 123 ha mè trên nền đất lúa ở Hồng Ngự và Cao Lãnh.
Lợi nhuận mang lại cho nông dân từ các mô hình trên cao hơn trồng lúa từ 8 - 23,5 triệu đồng/ha. Còn TP. Cần Thơ có 8.200 ha trồng lúa chịu ảnh hưởng hạn đầu vụ hè thu và lũ cuối vụ, năng suất lúa không cao.
Trong khi đó, các mô hình luân canh lúa - mè, lúa - đậu nành hay một số hoa màu khác, thời gian qua cho thấy hiệu quả tăng hơn so với trồng lúa 3 vụ liên tục từ 5 - 16 triệu đồng/ha. Vì thế, hiện nay người dân trồng lúa ở các huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ… đang chuyển dần sang trồng đậu nành, mè, đậu phộng, dưa hấu, khoai lang… Và thành phố đang có hướng nhân rộng các mô hình này trong thời gian tới.
Bạc Liêu cũng có 2.600 ha trồng lúa kém hiệu quả. Theo tính toán của ngành chức năng, diện tích có khả năng chuyển đổi đến năm 2020 ở Bạc Liêu trên 6.800 ha, trong đó cơ cấu cây trồng có khả năng chuyển đổi là 1 vụ lúa + 1 vụ màu, 1 vụ lúa + 2 vụ màu, 2 vụ lúa + 1 vụ màu. Cây rau màu trồng trên nền đất lúa cũng đang phát triển ở Kiên Giang với 3.700 ha.
Còn Long An đang phát triển mạnh cây bắp, đậu phộng, mè, rau các loại, khoai mỡ, khoai mì, khoai môn, dưa hấu, đậu các loại, mía, đay. Tỉnh này đã có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên vùng đất lúa theo hình thức luân canh, trong đó, tập trung vào nhóm cây như mè, bắp, đậu phộng ở những vùng đất cao, xám bạc màu.
Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc tái cấu trúc lại sản xuất lúa theo chuỗi giá trị cũng được ngành Nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương quan tâm, nhằm nâng giá trị, thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Qua 3 năm thực hiện, đến nay mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được triển khai rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành. Chỉ tính riêng vụ đông xuân 2012-2013 và hè thu 2013, toàn vùng có 130 ngàn ha thực hiện mô hình trên. Dù còn nhiều khó khăn, việc triển khai còn rời rạc nhưng bước đầu mô hình đã tạo chuyển biến rõ rệt. Từ cơ sở đó, ngành Nông nghiệp dự kiến chuyển mô hình sang bước 2 trong năm 2014.
TẬP TRUNG NHỮNG CÂY TRỒNG TIỀM NĂNG
Nam bộ nói chung, ĐBSCL nói riêng có điều kiện thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển. Tuy nhiên, ngoài cây lúa, các cây trồng còn lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu. PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cây bắp có nhu cầu rất lớn, có điều kiện phát triển nhưng trong 10 năm qua diện tích vẫn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng
Khoai mì là cây tạo nguồn thu nhập quan trọng cho hộ nông dân nghèo do dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp sinh thái và điều kiện kinh tế nông hộ, nhưng cũng chưa phát triển được bao nhiêu. Còn mè là cây chịu hạn, thích hợp trồng ở những vùng đất thiếu nước tưới; giá cả ít biến động.
Song, hiện nay cây mè vẫn chưa phổ biến dù đang có xu hướng gia tăng ở Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp. Cũng như nhiều cây rau màu khác, đậu nành rất có ưu thế trong trồng luân canh. Việc luân canh cây trồng này trên nền đất lúa chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa độc canh.
Song, vài năm trở lại đây, diện tích đậu nành lại có xu hướng giảm mạnh vì thiếu đơn vị thu mua. “Cây đậu nành, bắp, mè là mục tiêu chiến lược cần được đẩy mạnh phát triển trong những năm tới để lấy sản phẩm cho công nghiệp chế biến thay thế nông sản nhập khẩu” - PGS.TS Dư nhấn mạnh.
Đặc biệt, cây ăn trái là lợi thế phát triển của vùng mà ít nơi nào có được. Dù những năm qua, diện tích, sản lượng, năng suất cây ăn trái không ngừng tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế. Lợi nhuận từ trồng cây ăn trái mang lại khá cao là cơ hội tốt cho nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh đến nay phát triển lên đến trên 21 ngàn ha, chiếm hầu hết các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Chính vì thế, hiện nay nông dân ở vùng sản xuất lúa kém hiệu quả đang chuyển sang trồng thanh long. “Chúng tôi linh hoạt trong điều hành sản xuất. Việc khai thác, sử dụng vùng đất sản xuất lúa không hiệu quả để trồng thanh long nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân. Việc chuyển đổi này được thực hiện với điều kiện không làm tổn hại đến đất lúa, để khi an ninh lương thực bị đe dọa có thể chuyển sang trồng lúa” - Lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo năm 2014 sẽ rất khó khăn do thế giới đang khủng hoảng thừa và khả năng kéo dài trong nhiều năm nữa do Thái Lan đang xả kho gạo dự trữ, nhiều nước có xu hướng tự túc lương thực. Sản xuất lúa vốn gặp khó giờ càng khó hơn.
Từ đây cho thấy, vấn đề tái cơ cấu ngành trồng trọt nói chung và chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa nói riêng để nâng cao thu nhập cho nông dân đặt ra rất cấp thiết. Và điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả sử dụng theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Những kết quả bước đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong vùng thời gian qua là tiền đề quan trọng cho tiến trình tái cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung của Bộ NN&PTNT.
N.VĂN