Tạo dựng thương hiệu lúa giống Tân Phú bằng chất lượng hạt giống
Những năm gần đây, ngoài sản xuất lúa hàng hóa, nông dân huyện Cai Lậy còn nhân rộng mô hình sản xuất lúa giống. Những nông dân có điều kiện về đất đai, tâm huyết với nghề đã tập hợp, liên kết để cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cung ứng lúa giống cho thị trường. Hơn 2 năm hoạt động, Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa giống Tân Phú (Tân Phú, Cai Lậy) đã thu hút nhiều nông dân trong xã tham gia, tạo dựng thương hiệu bằng chất lượng hạt giống và hiệu quả kinh tế.
THT sản xuất lúa giống Tân Phú hiện có 20 tổ viên, với diện tích sản xuất 14 ha ở các ấp: Tân Thới, Ấp Bắc, Tân An, Tân Hòa và Tân Hiệp. Tổ viên đều là những nông dân đã được trang bị kiến thức từ các lớp nhân giống lúa do ngành Nông nghiệp huyện tổ chức và có thời gian sản xuất lúa giống theo sự bao tiêu của các trung tâm giống nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, tổ trưởng, suốt thời gian gắn bó với ruộng đồng, ông luôn trăn trở với việc nâng cao giá trị hạt lúa. Trước đây, khi sản xuất lúa hàng hóa, ông và nhiều nông dân trong vùng đều chịu cảnh giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Sau khi tham gia lớp tập huấn nhân giống lúa do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, ông chuyển 2,2 ha đang sản xuất lúa hàng hóa sang sản xuất lúa giống cho Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang.
Các tổ viên THT sản xuất lúa giống Tân Phú kiểm tra chất lượng hạt giống trước khi đưa ra thị trường. |
Sau thời gian sản xuất với sự bao tiêu của trung tâm, năm 2011 THT ra đời để nâng cao hơn nữa giá trị hạt giống. Hiện nay, với bề dày kinh nghiệm và vai trò tổ trưởng, ông Nguyễn Văn Đức hướng dẫn và khuyến khích những nông dân khác nhân rộng mô hình sản xuất lúa giống.
Ông chia sẻ: “Tổ viên có diện tích sản xuất từ 0,5 - 2,5 ha, đều là những nông dân đã nhiều năm gắn bó với việc sản xuất lúa giống. Cái được lớn nhất của mô hình là nông dân tập làm quen với cung cách làm việc tập thể và chủ động trong sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ. Hàng tháng, THT họp định kỳ để bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường, đưa vào nhân những giống lúa đang được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, tổ viên cũng nhạy bén ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, giảm rủi ro do dịch hại, thu lợi nhuận cao hơn”.
Ông Lê Thanh Vũ ở ấp Tân Thới, là tổ viên cho biết, tham gia THT lợi nhuận từ sản xuất lúa giống cao hơn sản xuất theo bao tiêu của các trung tâm giống khoảng 30% do hạn chế được các khâu trung gian. Cũng theo ông Vũ, trong sản xuất lúa giống muốn đạt hiệu quả thì việc vệ sinh đồng ruộng rất quan trọng để hạn chế lúa lộn từ những vụ trước.
Ngoài ra, nông dân phải áp dụng giống mới, chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường và thổ nhưỡng địa phương. Tuy khắt khe và đòi hỏi trình độ thâm canh cao, nhưng lúa giống nông dân sản xuất ra được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn và đầu ra luôn ổn định nên đảm bảo nông dân thu được lợi nhuận khá. Riêng ông, sau mỗi vụ đều rút ra kinh nghiệm để sản xuất vụ sau giảm chi phí đầu tư, lượng hạt giống gieo sạ, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng hạt giống.
Hàng năm, THT cung ứng ra thị trường trên 60 tấn lúa giống. Ngoài chất lượng hạt giống đã được khẳng định, THT còn có đầu ra ổn định nhờ ký được hợp đồng tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, cải thiện đáng kể thu nhập cho tổ viên.
Riêng vụ đông xuân 2013 - 2014, THT sản xuất 11 ha lúa giống, với các giống được thị trường ưa chuộng như: Nàng Hoa 9, OM 6976, OM 4900, OM 5451, AP 2010… Hiện nay, THT đảm nhận từ khâu chọn giống đến thu hoạch. Tổ còn trang bị thêm máy móc, thiết bị để đảm bảo việc phơi sấy, nâng cao chất lượng hạt giống, đáp ứng nhu cầu về giống chất lượng cao cho thị trường.
Mô hình THT sản xuất lúa giống Tân Phú là hình thức liên kết sản xuất thể hiện tính chuyên nghiệp và nhạy bén kinh doanh của người nông dân. Hiệu quả từ mô hình đang giúp nông dân Tân Phú nâng cao giá trị hạt lúa và quê hương Ấp Bắc có thêm mô hình làm giàu hiệu quả.
QUẾ NGÂN