Thứ Hai, 13/01/2014, 06:03 (GMT+7)
.

Tiến tới chấm dứt hoạt động các CSSX gạch đất sét nung thủ công

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, đến ngày 31-12-2014 sẽ chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng thủ công trên địa bàn tỉnh.

CHƯA CÓ DỰ ÁN SẢN XUẤT VLXKN

Quy định sản xuất và sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng được áp dụng từ khi Thông tư 09 của Bộ Xây dựng có hiệu lực (tức là từ ngày 15-1-2013). Nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào sản xuất loại VLXKN, mà chỉ sản xuất gạch đất sét nung theo các công nghệ khác nhau.

Theo số liệu của Sở Xây dựng, đến cuối năm 2013, tổng sản lượng gạch đất sét nung được các cơ sở làm ra khoảng 84,7 triệu viên/năm, trong đó có 52 lò nung gạch thủ công tập trung ở huyện Cái Bè và Cai Lậy, với công suất khoảng 15,7 triệu viên/năm; có 2 dây chuyền sản xuất gạch bằng lò vòng cải tiến (hoffman), với công suất khoảng 24 triệu viên/năm; có 2 dây chuyền sản xuất gạch bằng lò vòng tuynel, với công suất khoảng 45 triệu viên/năm.

Dây chuyền sản xuất gạch đất sét bằng lò vòng cải tiến (hoffman) của Công ty TNHH Gạch Ngọc Qui.
Dây chuyền sản xuất gạch đất sét bằng lò vòng cải tiến (hoffman) của Công ty TNHH Gạch Ngọc Qui.

Ông Lê Ngọc Qui, Giám đốc Công ty TNHH Gạch Ngọc Qui cho rằng, từ  năm 2010 ngành Công nghiệp xây dựng phát triển nhanh, phát sinh nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng, nhất là gạch ngói đất sét nung, công ty đã đầu tư xây dựng, chuyển đổi sang mô hình sản xuất gạch theo công nghệ tuynel bằng lò vòng cải tiến hoffman. Lò có kết cấu kín và rất bền nhiệt, tiết kiệm nhiên liệu, với vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng; có thể sản xuất gạch trong cả năm không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cải thiện được điều kiện làm việc, tăng công suất từ 5 triệu viên/năm lên 8 triệu viên/năm.

Thế nhưng, khi được đề cập đến việc sản xuất và áp dụng VLXKN theo chủ trương chung của Bộ Xây dựng, ông Lê Ngọc Qui cho rằng, hiện tại trên địa bàn Tiền Giang các cơ sở sản xuất rất khó đầu tư dây chuyền sản xuất theo dạng này. Bởi Tiền Giang không phải vùng nguyên liệu để sản xuất loại VLXKN, chỉ có khu vực miền Đông có nhiều lợi thế hơn do tận dụng được nguồn đá, cát xây và các chất phụ liệu khác để sản xuất.

Nếu các cơ sở trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất loại VLXKN thì giá thành phải cao hơn khoảng 30%, do chi phí sản xuất, vận chuyển cao hơn, trong khi chưa có đánh giá cụ thể nào về hiệu quả của các công trình sử dụng VLXKN so với sử dụng vật liệu thông thường để làm cơ sở cho các cơ sở sản xuất đối chiếu.

Chưa kể chi phí đầu tư cho một dây chuyền sản xuất VLXKN ít nhất cũng 20 tỷ đồng. “Công ty dự kiến đến năm 2015 sẽ mở rộng thêm một dây chuyền sản xuất gạch không nung với khoảng 100 lao động, tổng diện tích mặt bằng khoảng 30.000 m3, với vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án cũng chỉ được thực hiện khi yêu cầu thực tế ngày càng bức bách hơn” - ông Lê Ngọc Qui cho biết.

Trên địa bàn huyện Tân Phước cũng vừa đón nhận dự án đầu tư của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Đại Hữu, nhằm sản xuất gạch ngói, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, có công suất sản xuất 50 triệu sản phẩm/năm.

Hiện tại, dự án này đã đầu tư hoàn tất giai đoạn 1, chính thức đưa vào hoạt động và đưa sản phẩm ra thị trường. Ông Lưu Ngọc Thanh, đại diện công ty cho biết, hiện nay công ty đã đầu tư giai đoạn 2, với số vốn đã đầu tư là 80 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất gạch ngói cao cấp tại Tiền Giang được đầu tư trang thiết bị của CHLB Đức, với hệ thống lò nung tuynel của châu Âu thuộc thế hệ tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhà máy sản xuất gạch ngói này cũng chỉ áp dụng công nghệ nung bằng lò vòng cải tiến và nung bằng lò tuynel.

DỜI LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

Theo Công văn 694 trả lời ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Xây dựng đánh giá, Tiền Giang có nhu cầu sử dụng gạch xây tương đối lớn; nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất VLXKN lại khan hiếm, không thuận lợi cho việc phát triển VLXKN.

Mặt khác, địa bàn tỉnh lại nằm trên vùng đất yếu, trũng, nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung cũng hạn chế. Với các yếu tố trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các ban, ngành liên quan của tỉnh khắc phục những khó khăn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN, đặc biệt là loại nhẹ; hạn chế sản xuất gạch đất sét nung.

Tiết kiệm được 1.000 ha đất nông nghiệp/năm

Theo Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực ngày 28-4-2010), mục tiêu chính là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020; hàng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất VLXKN, tiết kiệm được 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, sản lượng VLXKN của tỉnh chưa đạt yêu cầu, Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh lộ trình thực hiện Thông tư 09 về Quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng.

Cụ thể, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 50% VLXKN từ năm 2014, sau năm 2015 phải sử dụng 100%; tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN kể từ năm 2014 đến hết năm 2016, sau năm 2016 phải sử dụng 100%.

Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 - 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây dựng.

Theo Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09 của Bộ Xây dựng, cũng như theo tinh thần Công văn 694 của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 và lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt sản xuất gạch xây dựng đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20 - 25% vào/năm 2015, từ 30 - 40% vào năm 2020; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Theo đó, lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công; duy trì và phát triển mở rộng công suất lò vòng cải tiến (hoffman), lò tuynel cũng được ấn định cụ thể. Chẳng hạn, đến ngày 31-12-2014 sẽ chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch nung bằng thủ công trên địa bàn tất cả các huyện.

Đối với gạch nung bằng lò vòng cải tiến (hoffman) sẽ không cấp phép đầu tư xây dựng mới, duy trì công suất các lò hiện có và sử dụng trấu để nung gạch, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí); phát triển mở rộng cơ sở sản xuất theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được cấp đến  năm 2015 có 5 dây chuyền, với tổng công suất 105 triệu viên/năm.

Đối với gạch nung bằng lò tuynel, không cấp phép đầu tư xây dựng mới, phát triển mở rộng cơ sở sản xuất đến năm 2015 có 3 dây chuyền, với tổng công suất 65 triệu viên/năm. Riêng lộ trình khuyến khích sản xuất và sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo tinh thần Công văn 694 của Bộ Xây dựng.

THẾ ANH

.
.
.