Tình hình KT-XH năm 2013 có những chuyển biến và đạt kết quả tích cực
Theo Bộ KH&ĐT, với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2013 đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực.
Sản xuất áo thời trang xuất khẩu tại Công ty Hansae - Khu công nghiệp Tân Hương. |
Đầu tiên là lạm phát được kiềm chế như mục tiêu đề ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp. Các giải pháp phân tích, dự báo thông tin thị trường giá cả; điều hành ổn định giá cả thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa; phát triển mạng lưới lưu thông, gắn kết người sản xuất với doanh nghiệp được triển khai kịp thời, hiệu quả; công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, đầu cơ, trốn thuế… đạt nhiều kết quả, góp phần chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng.
Thứ hai, chính sách tiền tệ và tài khóa đã được điều hành chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt, phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát. Lãi suất, kể cả lãi suất của những khoản vay cũ đã giảm khá nhiều so với đầu năm.
Ngành Dệt may có tiềm năng rất lớn, năm 2013 đạt kim ngạch xuất khẩu 19,8 tỷ USD. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP May Tiền Tiến trong giờ lao động. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh, phù hợp với mục tiêu đề ra (14-16%). Tăng trưởng tín dụng cải thiện và có nhiều khả năng đạt mục tiêu 12% đề ra cho cả năm; cơ cấu tín dụng chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên.
Thứ ba, đầu tư công tiếp tục được tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng; nợ đọng xây dựng cơ bản được hạn chế và từng bước xử lý; thu hút và sử dụng vốn FDI và vốn ODA đạt nhiều kết quả tích cực; công tác thẩm định và phê duyệt dự án được siết chặt; hạn chế khởi công mới; đầu tư thực hiện dự án, công trình theo thứ tự ưu tiên và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng Năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 16,6%, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra (10%) nhưng thấp hơn so với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của năm 2012 (tăng 18,2% so với năm 2011); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 134 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2012 (cùng kỳ tăng 6,6%); nhập siêu 500 triệu USD, bằng xấp xỉ 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cán cân thương mại (tính theo giá CIF) chỉ thâm hụt nhẹ khoảng 500 triệu USD (năm 2012 thặng dư 749 triệu USD). Tuy nhiên, nếu tính theo giá FOB, cán cân thương mại năm 2013 thặng dư 11 tỷ USD, cao hơn mức 9 tỷ USD năm 2012. Cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 ước thặng dư 2 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt được mức thặng dư cán cân tổng thể so với mức thâm hụt trong 2 năm 2009-2010, là cơ sở bổ sung cho nguồn dự trữ ngoại hối Quốc gia. |
Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực và ghi nhận sự phục hồi đáng kể của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng qua từng quý và tăng cao so với cùng kỳ năm trước; chỉ số tồn kho giảm mạnh so với đầu năm; bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Kế đến công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư và đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được những kết quả bước đầu;
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được tập trung thực hiện; phương pháp tổ chức, quản lý các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ được cải tiến, nhân rộng.
Chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện; công tác đào tạo, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động tiếp tục được chú trọng;
Cải cách tiền lương, các chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững đạt nhiều kết quả. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ được chú trọng đổi mới.
Công tác văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong nhân dân. Công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ sau thiên tai được quan tâm thực hiện, giảm thiểu thiệt hại, sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống người dân.
Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm đầu tư. Số vụ tai nạn giao thông giảm, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thực hiện các chính sách tài khóa linh hoạt nhằm hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu thuế GTGT, thuế TNDN, thuê đất, sử dụng đất, hoàn tiền thuế bảo vệ môi trường... nhằm giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Tính đến tháng 11-2013, tổng cộng số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất được giảm, giãn thời hạn nộp là 11.370 tỷ đồng, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. |
Đặc biệt, công tác ngoại giao, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế được chỉ đạo đồng bộ, toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực; chủ động, tích cực trong thúc đẩy, mở rộng hợp tác quốc tế và khu vực.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được chú trọng đầu tư, bảo đảm, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm.
DUY SƠN
Tiền Giang tỷ lệ nợ xấu giảm Theo UBND tỉnh Tiền Giang, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tích cực giải ngân nguồn vốn tín dụng, nhằm kích thích phát triển kinh tế, chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng dư nợ; Đồng thời theo dõi, giám sát tình hình cho vay của các ngân hàng, chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm giải quyết một phần khó khăn tạm thời mà các doanh nghiệp gặp phải, tổ chức tiếp xúc với 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp; Theo dõi và chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt các chương trình tín dụng chỉ định của Chính phủ như: chính sách tín dụng phát triển sản xuất chăn nuôi, cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo; chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới và cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63, 65 của Thủ tướng Chính phủ về giảm tổn thất sau thu hoạch... Kết quả, đến cuối tháng 11-2013, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 18.599 tỷ đồng, tăng 2.506 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 15,6% (cùng kỳ năm trước tăng 2,70% so với đầu năm). Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay tối đa không quá 13%/năm nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, vực dậy khả năng sản xuất của các doanh nghiệp, góp phần hạn chế nợ xấu phát sinh. Dự kiến đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 18.829 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012 (kế hoạch năm 2013 tăng 12%). So với kế hoạch đề ra trong năm 2013, dư nợ cho vay vượt kế hoạch, đạt 104,5%. Nợ xấu, số dư là 471 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu giảm 2,7% so với số dư nợ của năm 2012. |