Việt Nam sẽ trở thành nước sản xuất cá tra bền vững
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết mục tiêu của ngành thủy sản là đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đạt chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.
Tại hội thảo với chủ đề “Định hướng sản xuất cá tra bền vững tại Việt Nam,” tổ chức ngày 20-1 tại Cần Thơ, tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết với sự hỗ trợ của dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) do EU tài trợ, Việt Nam sẽ thiết lập mô hình trang trại mẫu và trung tâm đào tạo; nâng cao nhận thức cho khách hàng tiềm năng; xây dựng năng lực cho các chuyên gia trong nước theo luật pháp quốc tế liên quan đến thị trường thủy sản nói chung và cá tra nói riêng...
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Duy Sơn |
Để hoàn thành mục tiêu trên, đại diện dự án SUPA cho biết, dự án SUPA do EU tài trợ sẽ hỗ trợ hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp trong toàn chuỗi sản xuất cá tra; hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm phụ và các công nghệ hiện đại; hỗ trợ thiết lập các liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ nhằm tăng khả năng đàm phán của họ; hỗ trợ nâng cao khung chính sách để thúc đẩy sản xuất cá tra bền vững; hỗ trợ vận hành diễn đàn điện tử để trao đổi thông tin giữa nhóm mua và bán; hỗ trợ thực hiện minh bạch hóa việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Việt Nam hiện cung cấp trên 90% sản lượng cá tra xuất khẩu trên thế giới. Có hàng trăm nghìn người Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long sống nhờ vào nghề nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra mang lại cho Việt Nam 1,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá tra tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như người nuôi chưa xử lý dư lượng thức ăn, thuốc, hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Cùng với đó, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn còn cạnh tranh nhau về giá sản phẩm nhiều hơn cạnh tranh về chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín mặt hàng cá tra trên thị trường thế giới.
Dự án SUPA thuộc chương trình SWICH-Asia do EU tài trợ, được thực hiện tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 4-2013, dự kiến kéo dài 48 tháng, nhằm mục tiêu đến cuối thời gian thực hiện dự án, có ít nhất 70% doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra (quy mô trung bình, lớn) và 30% các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp nhỏ tham gia chương trình “sản xuất sạch hơn.”
Trong mục tiêu của dự án, có ít nhất 50% doanh nghiệp mục tiêu sẽ cung cấp sản phẩm đạt chuẩn bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn ASC của thị trường châu Âu và thị trường khác.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-se-tro-thanh-nuoc-san-xuat-ca-tra-ben-vung/240702.vnp)