Vụ lúa đông xuân 2013-2014: Nông dân còn nhiều nỗi lo
Theo lịch thời vụ, đến nay toàn tỉnh đã kết thúc các đợt xuống giống vụ lúa đông xuân 2013-2014 với trên 78.000 ha. Đây là vụ lúa lớn nhất của năm về diện tích và năng suất, có ý nghĩa quyết định đến sản lượng lương thực của tỉnh trong năm 2014 và lợi nhuận của nông dân. Song, vừa vào vụ người trồng lúa phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Chúng tôi về các huyện phía Đông của tỉnh trong những ngày cuối năm, khi hầu hết các diện tích lúa đông xuân 2013-2014 nơi đây đều đã được xuống giống theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp. Lúa đã xuống giống cũng là lúc nông dân phải đối mặt với nhiều áp lực.
Theo nhiều nông dân, hiện nay các trà lúa đang tập trung ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Giá nhân công giặm lúa ở vụ này tăng hơn so với vụ trước 10.000 đồng/ngày, nâng mức giá công lên khoảng 100.000 đồng/người/ngày, nhưng vẫn rất khan hiếm; tình hình xuất khẩu gạo đang khó khăn, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của người sản xuất.
Mặc dù những ngày qua, giá lúa tăng trở lại nhưng theo nhiều nông dân, họ không được lợi gì từ giá lúa này do hầu hết diện tích đang vào vụ và giá lúa tăng chỉ mang tính nhất thời. Khi lúa đông xuân vào thời điểm thu hoạch, nhiều khả năng giá lúa sẽ giảm trở lại. Bởi theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2013, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam không thuận lợi và dự báo tình hình này kéo dài đến đầu năm 2014.
Nguyên nhân là do thị trường gạo thế giới đang đến thời điểm khủng hoảng thừa và khó khăn nhất trong 2 năm trở lại đây kể từ khi Thái Lan thực hiện chính sách trợ giá lúa cho nông dân để giải quyết lượng gạo tồn kho và cũng là thời điểm Ấn Độ quay trở lại tham gia thị trường xuất khẩu gạo mạnh mẽ.
Nông dân xã Thạnh Nhựt (Gò Công Tây) chăm sóc lúa đông xuân 2013-2014. |
Trước những áp lực và dự báo bất lợi trong việc tiêu thụ lúa trong thời gian tới, nông dân đang lo lắng trên mảnh đất lúa của mình. Bà Nguyễn Thị Bé, ấp Bình Khương I (Bình Phục Nhứt, Chợ Gạo) cho biết, bà xuống giống lúa đông xuân cách nay khoảng nửa tháng. Trước thông tin tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn, bà tỏ ra rất băn khăn và lo lắng. Theo bà, đây là vụ lúa có năng suất cao nhất của năm, nhưng đồng thời cũng là vụ lúa thường bị ứ đọng hàng, giá giảm mạnh nhất.
“Trồng lúa bây giờ bấp bênh lắm chú ơi! Giá nhân công vừa mới tăng thêm, giá lúa bấp bênh, sản xuất lúa đã khó có lời giờ càng khó hơn. Vụ vừa rồi, lúa thơm nhẹ có giá bán 6.000 đồng/kg, vậy mà sau khi trừ chi phí, tôi chỉ còn lời 400.000 đồng/công. Ngoài nỗi lo về giá, vụ lúa này còn chịu ảnh hưởng từ hạn hán, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đe dọa. Nếu giá lúa thấp, nông dân trồng lúa sẽ rất khó khăn” - bà Bé nói.
Thật vậy, theo cảnh báo của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2013-2014, áp lực rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có nguy cơ cao do các tỉnh lân cận mùa vụ không giống nhau, là điều kiện để rầy nâu bùng phát và mang virus rất lớn. Đặc biệt đối với khu vực phía Đông, tình hình sản xuất càng bất lợi hơn khi lúa đông xuân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt vào cuối vụ do hạn và xâm nhập mặn.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn năm nay xuất hiện sớm và hạn, mặn sẽ diễn ra gay gắt. Qua ghi nhận từ cơ quan chức năng, hiện nay nước mặn đang xâm nhập sâu vào các cửa sông và nội đồng, phần lớn các cống ngăn mặn của Dự án Ngọt hóa Gò Công phải đóng ngăn mặn.
Theo điều tra và thống kê, nếu mặn trong mùa khô năm 2014 xảy ra gay gắt như dự báo và triều cường ở mức cao, kết hợp với gió chướng đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công sẽ có đến hàng ngàn ha lúa bị ảnh hưởng, cần phải bơm chuyền 2 cấp vào cuối vụ. Còn đối với các huyện phía Tây, chi phí sản xuất cũng tăng lên đáng kể do phải thường xuyên bơm nước vì nắng hạn. Tất cả đang đẩy nông dân vào tình thế chẳng đặng đừng.
Ông Lê Tấn Trưng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây cho biết, lúa đông xuân 2013-2014 đã xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 12-2013, với 11.000 ha. Theo ông Trưng, hiện nay hầu hết nông dân trồng lúa vẫn tiếp tục gắn bó với cây lúa, chỉ một số diện tích không đáng kể chuyển đổi sang trồng cây khác. Song, thực tế, người trồng lúa đang đối diện với rất nhiều khó khăn và không mặn mà với cây trồng này.
Bởi qua thông tin được biết, thị trường xuất khẩu đang gặp khó và nếu tình hình này tiếp diễn, việc tiêu thụ lúa đông xuân sẽ rất khó khăn. Đó là chưa nói đến nguy cơ, rủi ro từ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; hạn mặn xâm nhập gây thiếu nước vào cuối vụ. Đây cũng là những tác nhân làm tăng chi phí sản xuất, tạo thêm áp lực lên đôi vai người trồng lúa.
“Thực tế cho thấy, không phải cây lúa còn hấp dẫn với nông dân mà chủ yếu là do ngoài cây lúa chưa có cây trồng nào thay thế thích hợp và có đầu ra ổn định. Để giảm bớt áp lực trên, ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây khuyến cáo chính quyền cơ sở và nhân dân thường xuyên theo dõi các trà lúa, chủ động phòng, chống hạn, mặn và sâu bệnh để giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra” - ông Trưng nói.
Từ những dự báo bất lợi về thị trường, thiên tai, dịch bệnh, Sở NN&PTNT yêu cầu các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo sản xuất thành công vụ đông xuân. Trước hết, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc sử dụng lúa giống chất lượng cao, lúa thơm, lúa đặc sản; giảm tỷ lệ giống lúa chất lượng trung bình, nhất là giống lúa IR 50404 trong vụ đông xuân nói riêng và các vụ trong năm 2014 nói chung; ngành cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô này.
Để tạo thuận lợi trong tiêu thụ, Công ty Lương thực Tiền Giang cũng đã khuyến cáo nông dân chú trọng sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; những giống lúa khác chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, sản lượng nhất định nên chỉ sản xuất với diện tích hợp lý để đảm bảo giá.
N.VĂN