3 điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi
Năm 2013, huyện Cai Lậy bình chọn 15.600 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Đó là những điển hình năng động, nhạy bén, khát khao làm giàu bằng đôi tay cần cù lao động trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, nhiều nông dân đã làm giàu nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các mô hình sản xuất tiên tiến để nâng cao giá trị nông sản. Dưới đây là 3 điển hình tiêu biểu trong phong trào.
Ông Trần Văn Thì (ở ấp 4, xã Thạnh Lộc): Hiệu quả từ sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”
Vụ đông xuân năm nay, ông Trần Văn Thì canh tác 0,9 ha giống lúa Nàng Hoa 9 và là vụ thứ tư ông sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) với hợp đồng bao tiêu của Công ty Lương thực Tiền Giang. Ông cho biết, hiện thời tiết khá thuận lợi nên hy vọng năng suất lúa của vụ đông xuân năm nay sẽ khá hơn năm trước và giá lúa ổn định để nông dân thu lợi nhuận cao.
Để nâng cao hiệu quả canh tác lúa, ông đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả, tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, mang lại lợi nhuận cao. Kết quả trong nhiều năm liền, ông được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện.
Năm 2013, khi huyện và xã vận động nông dân tham gia mô hình CĐML, ông tham gia toàn bộ diện tích. Qua 3 vụ gieo sạ giống OM 5451 và được Công ty Lương thực Tiền Giang bao tiêu, ông thu lãi 100 triệu đồng.
Theo ông, việc sản xuất lúa theo mô hình CĐML là chủ trương lớn của Nhà nước, tham gia mô hình, nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc lúa, được đầu tư giống chất lượng tốt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bà con trong cùng CĐML sạ cùng lúc, cùng giống, cùng quy trình sản xuất nên dễ trao đổi kinh nghiệm và dễ quản lý sâu bệnh.
Ông Huỳnh Văn Á (ở ấp Quí Thành, xã Nhị Quí): Nâng cao thu nhập từ mô hình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGap
Canh tác 1 ha nhãn tiêu da bò gần 20 năm tuổi, dù có thời điểm nhãn chỉ bán với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng ông vẫn tập trung chăm sóc. Bởi theo ông, làm vườn theo điệp khúc “trồng, chặt” sẽ khó ổn định. Để cải thiện giá nhãn trong những năm khó khăn về đầu ra, với 260 gốc nhãn, ông xử lý cho phân nửa diện tích vườn nhãn ra hoa sớm vào tháng 5 (âm lịch), diện tích còn lại ông vẫn để ra hoa bình thường.
Với cách làm trên, nhiều năm qua vườn nhãn của ông vẫn cho thu nhập ổn định. Năm 2011, ông và 26 nhà vườn khác đã tham gia Tổ hợp tác nhãn tiêu da bò Nhị Quí, sản xuất nhãn theo hướng VietGAP. Từ đây, vườn nhãn của ông luôn đạt năng suất cao, mẫu mã trái đẹp, được thương lái ưa chuộng. Ông cũng đã tích lũy được kinh nghiệm xử lý bệnh “chổi rồng” hiệu quả, đảm bảo năng suất cho vườn nhãn.
Ông Huỳnh Văn Á cho biết, sản xuất theo mô hình VietGap tiết kiệm chi phí vật tư, năng suất cũng cao hơn từ 30 - 40% so với lối canh tác truyền thống trước đây. Năm 2013, vườn nhãn tiêu da bò của ông đã cho thu hoạch 10 tấn trái, sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận 90 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tòng (ấp Tân Luông A, xã Tân Phong): Hiệu quả từ mô hình trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP
Canh tác 1,2 ha vườn trồng chôm chôm Java trên 30 năm tuổi, ông Tòng cũng có lúc gặp cảnh được mùa, rớt giá. Tuy nhiên, là một nông dân nhạy bén, có ý chí vượt khó nên ông quyết không chuyển sang loại cây trồng khác, mà tập trung chăm sóc và xử lý vườn chôm chôm ra hoa rải vụ.
Ông Tòng cho biết, vườn chôm chôm đã 30 năm tuổi nhưng vẫn cho năng suất ổn định, nhờ dày công chăm sóc và để cây cho trái với sản lượng hợp lý. Theo đó, sau khi thu hoạch vào tháng 7 (âm lịch) hàng năm thì vệ sinh vườn, tỉa bỏ cành, sau đó bón phân để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Để có trái to, đẹp, bán được giá cao thì sau khi cây ra hoa, đậu trái sẽ tỉa bỏ bớt 30% lượng trái trên cây.
Năm 2011, ông Tòng tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm VietGAP, hướng đến việc sản xuất trái chôm chôm sạch, an toàn, chất lượng. Năm 2013, trên 1,2 ha đất trồng chôm chôm Java, ông đã thu hoạch 30 tấn trái, với giá bán trung bình 8.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 190 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho riêng bản thân, ông còn trao đổi kinh nghiệm với các thành viên trong tổ hợp tác để sản xuất chôm chôm hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế loại cây trồng truyền thống trên vùng đất cù lao Tân Phong.
TRƯỜNG GIANG