Thứ Năm, 13/02/2014, 06:02 (GMT+7)
.

Các huyện phía Đông chủ động ứng phó hạn mặn vào mùa khô

Anh Võ Văn Tầm nông sâu các mương tích nước dưới tưới mãng cầu vào mùa khô.
Anh Võ Văn Tầm vét sâu các mương tích nước để tưới mãng cầu vào mùa khô.

Khi mùa khô đến, sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân luôn gặp khó khăn, nhất là tại các huyện phía Đông của tỉnh bởi tình trạng thiếu nước ngọt.

Năm nay, nước mặn ở huyện Tân Phú Đông xâm nhập sớm cộng với vùng đất nhiễm phèn mặn cao, vì vậy, vào thời điểm này, nguồn nước gần như cạn kiệt và nồng độ mặn vượt quá giới hạn, các cống trên địa bàn huyện đã đóng từ giữa tháng 12 để ngăn mặn.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có tất cả 8 hồ nước ngọt, chứa trên 300.000 m3 nước chỉ dùng để phục vụ cho sinh hoạt.

Hiện nay có khoảng 20 ha lúa ở xã Phú Thạnh và Phú Đông không phát triển tốt do thiếu nước tưới.

Hệ thống công trình dự án Phú Thạnh - Phú Đông hiện tại không thể lấy nước phục vụ sản suất. Nhiều gia đình cũng sử dụng nguồn nước máy để phục vụ cho việc tưới phân, phun thuốc, và pha vào máy để tưới cầm cự với mong muốn vừa bảo vệ được vườn cây vừa tiết kiệm được nguồn nước cho mùa khô sắp diễn ra.

Anh Võ Văn Tầm, xã Tân Phú cho biết: “Để bảo vệ 3 công mãng cầu vào mùa khô này gia đình tôi đã tiến hành vét sâu các mương trong vườn để dự trữ nguồn nước và chỉ tưới tiết kiệm, dùng nguồn nước máy để xịt thuốc. Năm ngoái, thiếu nước tầm trọng cây suy thấy rõ, tỷ lệ đậu hoa, cho trái rất thấp, mãng cầu giảm khoảng 50% năng suất cho trái và trái thu hoạch cũng nhỏ hơn so với mùa mưa”.

Hiện tại con kinh Bà Tài - Cả Thu cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của huyện, nước đã bắt đầu đổi màu, cạn dần, độ mặn không cho phép dùng vào sản xuất. Để duy trì sản xuất, nhiều bà con đã vét sâu các mương chứa nước trong vườn cây hay dùng các bao ny lông làm thành các hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho việc tưới tiêu vào mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết: “Để giảm những thiệt hại do hạn mặn gây ra, hàng năm chúng tôi luôn đưa lịch khuyến cáo tuân thủ theo thời vụ. Hiện tại trên toàn huyện chỉ có hơn 20 ha lúa không tuân theo lịch thời vụ đang giai đoạn ngậm sữa nên cũng không ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên với gần 3.000 ha dừa, trên 100 ha nhãn, trên 500 ha mãng cầu đang bị thiếu nước tưới vào mùa khô này. Chúng tôi khuyến cáo bà con tự vét sâu các mương để tích trữ nước ngọt tưới cho cây vào mùa khô nhằm hạn chế cây trồng bị suy hoặc phát triển chậm; ngưng hoặc giảm năng suất cho trái”.

Còn tại huyện Gò Công Tây với gần 12.000 ha trồng lúa và rau màu. Các loại rau màu chủ yếu tập trung thu hoạch vào dịp Tết, số lượng còn lại rất ít không sợ bị ảnh hưởng vào mùa khô này. Bên cạnh đó nhờ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp mà huyện không có diện tích lúa gieo sạ trái vụ và hiện hơn 10.000 ha lúa đang làm đồng chuẩn bị trổ, còn khoảng 1 tháng nữa bước vào thu hoạch và với lượng nước dự trữ như hiện tại sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất của các loại cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Gò Công Tây cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã triển khai và gieo sạ đúng lịch thời vụ nên không gây thiệt hại với cây lúa và một số cây mùa khác. Trong năm 2013, huyện đã triển khai 38 công trình để phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp và rau màu vào mùa khô năm 2014.

Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường kiểm tra thường xuyên các đê bao ngăn mặn để ngăn chặn kịp thời hiện tượng rò rỉ mặn để bảo vệ cây trồng; tập trung trữ nước vào con nước cuối của tháng 2 và đầu tháng 3; đã lên kế hoạch với hơn 130 điểm bơm tạo nguồn nhằm cung cấp nước ngọt khi thiếu nước, phục vụ cho sản xuất của bà con nếu thiếu nước ngọt trong quá trình sản xuất vào mùa khô này”.

Nhìn chung, năm nay các huyện phía Đông đã chủ động ứng phó hạn mặn vào mùa khô bằng nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ cây trồng. Từ đó cho thấy, ý thức và kinh nghiệm sản xuất của người dân ngày càng được nâng cao hơn và sự phối hợp của các ngành chức năng có hiệu quả hơn.

VĂN MINH

.
.
.