Thứ Hai, 10/02/2014, 12:05 (GMT+7)
.

Cái Bè: Sản xuất nông-công nghiệp-thương mại&dịch vụ phát triển bền vững

Năm 2013 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cái Bè đã tạo được những dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế. Những chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Đây là cơ sở quan trọng bổ sung thêm nguồn lực mới cho bước phát triển của huyện trong năm 2014.

Niềm vui được mùa trên cánh đồng mẫu lớn.
Niềm vui được mùa trên cánh đồng mẫu lớn.

Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến mới với việc triển khai  xây dựng cánh đồng mẫu lớn đạt kết quả bước đầu khá tốt, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật có nhiều tiến bộ, đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh thái vào sản xuất, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, tăng cường phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tốt công tác tuyên truyền và công tác tiêm phòng, khử độc, sát trùng, dập dịch nên khống chế và dẩy lùi được các dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi; ưu tiên quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh phù hợp với lợi thế và điều kiện tự nhiên của từng xã; quy hoạch phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở các xã có lợi thế.

Các dự án, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững áp dụng tiêu chuẩn GAP tiếp tục được triển khai. Nhờ đó, diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng nông nghiệp được giữ vững. Năm 2013, sản lượng lúa của huyện đạt 318.268 tấn (tăng  0,4% so cùng kỳ năm trước), sản lượng cây màu đạt 42.500 tấn và 280.450 tấn trái cây (tăng 2% so với năm 2012), sản lượng thủy sản đạt 35.940 tấn (tăng 6,3% so với năm 2012), toàn huyện hiện có 120.638 con heo và 1,2 triệu con gia cầm.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giữ vững tốc độ tăng trưởng, nhất là trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo nhờ phát huy tốt Cụm công nghiệp An Thạnh và các nhà máy ở tuyến kinh 8, kinh 28, chợ lúa gạo An Cư - Bà Đắc. Việc kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp đã làm tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Trong năm qua, mặc dù các doanh nghiệp xay xát, lau bóng gạo gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động ổn định và phát triển. Ngành Công nghiệp may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghiệp chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng không ngừng phát triển, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, giải quyết lao động nhàn rỗi trong nhân dân. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong năm đạt 453 tỷ đồng (tăng 17,5% so với năm 2012).

Nghề đan lục bình ở xã Hoà Hưng cho thu nhập khá.
Nghề đan lục bình ở xã Hoà Hưng cho thu nhập khá.

Một trong những thành tựu phải kể đến là hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển khá mạnh. Hệ thống chợ và các trung tâm thương mại, bến bãi được nâng cấp, sửa chữa và tiếp tục phát huy hiệu quả, hàng hóa dồi dào; giao thông vận tải, dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông, du lịch… được đẩy mạnh hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2013 đạt 5.671 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2012)…

Mặc dù bị ảnh hưởng khó khăn chung về kinh tế của cả nước, nhưng những  thành quả đạt được của năm 2013 là sự tiếp nối lợi thế, đưa kinh tế của huyện phát triển bền vững. Bước sang năm 2014, Đảng bộ và nhân dân Cái Bè tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ trên lộ trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

CHIÊU NAM

“Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới, huyện Cái Bè đã đề ra các giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện. Đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tiếp tục tranh thủ hỗ trợ của tỉnh, Trung ương để đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành nghề theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả” - ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết.

 

.
.
.