Thứ Sáu, 07/02/2014, 09:54 (GMT+7)
.

Cây màu vẫn tốt tươi trên vùng đất nhiễm mặn

Nằm ở vùng ven biển, quanh năm bị xâm nhập mặn nhưng tại vùng giồng cát ấp Pháo Đài (Phú Tân, Tân Phú Đông) có một số loại rau màu và cây ăn trái vẫn phát triển tốt (với diện tích 50 ha), góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ dân nơi đây.

Dẫn đầu trong nhóm rau màu, cây ăn trái ở vùng đất này là dưa hấu, dây thuốc cá, khoai lang và mãng cầu trái tròn. Theo người dân nơi đây, nghề trồng màu ở ấp Pháo Đài hình thành rất tình cờ. Trên chục năm trước, vùng đất này còn hoang hóa, một vài hộ dân đi làm ăn ở miệt Cà Mau, Bạc Liêu mang về trồng thử nghiệm loại cây thuốc cá để sử dụng trong gia đình.

Từ khi phong trào nuôi tôm phát triển ở xã Phú Tân, nhu cầu dùng dây thuốc cá để diệt cá tạp tăng cao, nhờ đó mà cây này có điều kiện phát triển, diện tích ngày càng mở rộng. Đây là cây dễ trồng, tốn ít chi phí và công chăm sóc, giá bán tương đối cao, nhưng thời gian trồng kéo dài từ 1 - 1,5 năm. Hiện tại, 1 kg rễ dây thuốc cá có giá 65.000 đồng, mỗi công đất trồng dây này cho thu hoạch từ 800 kg - 1 tấn, nông dân thu lãi từ 45 - 55 triệu đồng/ha.

Cây dưa hấu phát triển tốt ở ấp Pháo Đài.
Cây dưa hấu phát triển tốt ở ấp Pháo Đài.

Đất bị nhiễm mặn, rất ít cây trồng có thể phát triển, nông dân trăn trở và tự hỏi tại sao quê mình vẫn cứ nghèo trong khi điều kiện thổ nhưỡng như ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bình Thuận, nhưng người dân ở những nơi đó rất khá giả. Vậy là 2 giống cây trồng mới tiếp tục được người dân ấp Pháo Đài thử nghiệm là dưa hấu và khoai lang.

Buổi đầu, việc thử nghiệm 2 loại cây trồng mới này gặp nhiều khó khăn, bởi đây là 2 loại cây trồng ưa nước, nhưng ở ấp Pháo Đài lại là vùng nhiễm mặn quanh năm. Tận dụng lợi thế của vùng đất cát pha, nông dân thuê thợ đào giếng lấy nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Đến nay, ấp Pháo Đài thường xuyên có khoảng 21 ha dưa hấu và dây thuốc cá, 7 ha mãng cầu.

Dưa hấu ở đây trồng được 3 vụ trong năm, năng suất đạt từ 1,5 - 2 tấn/công, nông dân thu lãi từ 4 - 5 triệu đồng/vụ. Dây khoai lang cũng rất thích hợp với vùng đất này. Tuy nhiên, để đón giá, nông dân thường chọn thời điểm xuống giống phù hợp để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Những năm trước, giá khoai lang trên 10.000 đồng/kg. Riêng năm nay, giá xuống thấp, bình quân khoảng 5.500 đồng/kg, lãi thu được giảm xuống còn khoảng 2 triệu đồng/công.

Từ việc phát triển cây màu, cây ăn trái ở vùng giồng cát, nhiều mô hình trồng màu, cây ăn trái “gia nhập” vào “câu lạc bộ” nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi như các hộ Phạm Văn Chương, Võ Văn Liêm, Nguyễn Văn Tiếp, với mô hình trồng dưa hấu, thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng; mô hình trồng khoai lang của hộ ông Lê Đức Nghĩa, Lê Thị Lượm thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng mỗi năm hay mô hình trồng dây thuốc cá của hộ ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Cái, Phan Văn Đồng…

Ông Nguyễn Văn Bướm, Trưởng ấp Pháo Đài cho biết, phong trào trồng màu và cây ăn trái ở ấp Pháo Đài có hiệu quả kinh tế cao. Phong trào này cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành có liên quan trong việc tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất… để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

NGỌC THƠ

.
.
.