Chủ động phòng, chống dịch bệnh để vụ lúa đông xuân bội thu
Vụ lúa đông xuân được nông dân Cai Lậy xem là vụ sản xuất chính trong năm, thành bại của 1 năm sản xuất lúa chủ yếu trông cậy vào vụ này. Do đó, dù vui Xuân, đón Tết, nhưng những ngày qua việc chăm sóc bảo vệ lúa được nông dân quan tâm từng ngày.
Phần lớn nhà nông huyện Cai Lậy đều chọn giải pháp an toàn là thăm đồng thường xuyên để bảo vệ ruộng lúa tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh tấn công ngay trong những ngày Tết vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Đức (ở ấp Bắc, xã Tân Phú) cho biết: “Đông xuân luôn là vụ lúa quyết định rất lớn đến hiệu quả sản xuất cả năm. Vụ đông xuân năm nay, gia đình sản xuất 2,2 ha lúa giống được thị trường ưa chuộng như: OM 6967, OM 4900, Nàng Hoa 9. Do đây là các loại giống lúa dễ bị rầy nâu tấn công, nên tôi cùng mọi người trong gia đình bám ruộng trong cả những ngày Tết và từ nay cho đến ngày thu hoạch”.
Nông dân Cai Lậy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân. |
Theo dự báo của ngành Nông nghiệp huyện, thời tiết lạnh nhiều sương mù vào sáng sớm sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát triển. Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán thường là giai đoạn cao điểm và dễ bộc phát một số dịch hại nguy hiểm trên lúa. Trước tình hình trên, hầu hết nông dân canh tác lúa ở Cai Lậy đã tập trung phun thuốc bảo vệ lúa.
Đang phun thuốc 1 ha lúa của gia đình, ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân ở xã Mỹ Thành Nam cho biết: “Không phải đến thời điểm này mới phun thuốc phòng bệnh cho lúa, mà ngay Mùng 2 Tết nông dân chúng tôi đã ra đồng.
Bởi thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, ban ngày thì nắng nóng, sáng sớm thì có sương mù nên nông dân ai cũng lo cho mảnh ruộng của mình vì sợ lúa bị bệnh, nhất là bệnh đạo ôn. Do đó, bên cạnh việc vui Xuân, đón Tết, bà con còn phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện, vụ lúa đông xuân 2013 - 2014, huyện Cai Lậy xuống giống 15.300 ha, đạt 100% kế hoạch diện tích, gồm các giống lúa ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh, năng suất ổn định, phẩm chất gạo ngon như: OM 3536, OM 1490, Jasmine 85...
Vào thời điểm này, trà lúa đông xuân trên địa bàn huyện đang tập trung ở giai đoạn làm đòng, trổ bông, đây là giai đoạn các loại dịch hại dễ bộc phát như: Rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, chuột… Bên cạnh đó, thời tiết ban đêm lạnh, ngày nắng nóng, kết hợp với sáng sớm có sương mù, rất thích hợp cho bệnh đạo ôn phát triển và gây hại trên diện rộng. Hiện huyện có 2.500 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, tập trung ở các xã như: Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Tân Hội, Tân Phú.
Hiện trà lúa đông xuân ở huyện Cai Lậy đang bước vào giai đoạn quyết định đến năng suất và chất lượng lúa. Do đó, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo cán bộ khuyến nông và bà con nông dân cần tăng cường thăm đồng, kịp thời phun xịt thuốc đặc trị bệnh đạo ôn khi bệnh vừa chớm xuất hiện và quản lý tốt tình hình gây hại của rầy nâu trên đồng ruộng.
Đặc biệt, đối với những trà lúa trong giai đoạn trổ bông đến chín, sương mù là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn tấn công đến cổ bông của cây lúa, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Chính vì vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh trên lúa phải được đặt lên hàng đầu trong lúc này, để đảm bảo vụ lúa đông xuân 2013-2014 của huyện đạt năng suất và chất lượng cao.
PHƯƠNG NGHI