Thứ Hai, 10/02/2014, 12:43 (GMT+7)
.

Chuyện về ông chủ cơ sở có biệt danh Hòa "Inox"

Hơn 50 tuổi đời, mái tóc đã lấm chấm bạc, ông đã gắn bó với ngành cơ khí, sau này là Inox đã 30 năm. Nhiều người biết đến ông với biệt danh là Hòa “Inox”, ông chủ của cơ sở Máy và Thiết bị công nghiệp Thái Hòa.

Chặng đường khó

Đúng lịch hẹn, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất Thái Hòa (đường Nguyễn Thị Thập, Phường 6, TP. Mỹ Tho) vào một ngày cuối năm 2013 khi ông Nguyễn Văn Hòa đang tất bật kiểm tra dây chuyền sản xuất chuẩn bị giao cho khách hàng. “Tui vừa là ông chủ, vừa là kỹ thuật chính nên bận túi bụi, anh thông cảm chờ chút” - ông Hòa bảo thế. Tôi hỏi: “Sao ông không tìm nhiều kỹ thuật hơn để được rảnh tay?”. Ông chỉ cười và nói:

“Cũng có đội ngũ kỹ thuật chứ, nhưng đối với ngành cơ khí chế tạo này, không lăn lóc, gắn bó với công nhân rất khó tạo ra dây chuyền sản xuất mới. Nhờ “ăn ngủ” với nó mới có rất nhiều dây chuyền chế biến được cơ sở tạo ra, có mặt từ Nam đến Bắc. Thấm thoát mà tôi đã gắn bó với ngành cơ khí, sau này là Inox đã 30 năm rồi” - ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu câu chuyện của đời mình như thế.

Ông Nguyễn Văn Hòa đang kiểm tra dây chuyền chế biến mà cơ sở vừa sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hòa đang kiểm tra dây chuyền chế biến mà cơ sở vừa sản xuất.

Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm chuyên ngành cơ khí, ông bắt đầu gắn bó với ngành cơ khí của TP. Mỹ Tho. Được một thời gian, ngành cơ khí gặp khó khăn, dẫn đến giải thể, ông chuyển sang đơn vị khác. “Có thể nói rằng chính Công ty Rau quả Tiền Giang là cái nôi để tôi phát triển sự nghiệp sau này.

Lúc đó, công ty có dây chuyền chế biến hoàn chỉnh, là người được giao phụ trách phân xưởng cơ điện rau quả, nên tôi nắm được toàn bộ quy trình vận hành. Hiểu được từng ngóc ngách của dây chuyền sản xuất đã giúp tôi có điều kiện nắm được chặt chẽ hơn về cơ khí chế tạo” - ông Hòa tâm sự.

Nghỉ làm việc tại Công ty Rau quả Tiền Giang, ông bắt đầu chọn hướng đi riêng cho đời mình. Năm 1999, Cơ sở Thái Hòa ra đời. Ban đầu, cơ sở hoạt động dạng đa ngành, bao gồm các lĩnh vực cơ khí phục vụ dân dụng, xây dựng, các ngành dược phẩm, chế biến rau quả, nông sản, chế biến thủy sản.

Ông Hòa kể, từ năm 2004, cơ sở bắt đầu đi chuyên sâu về các lĩnh vực thiết kế, chế tạo các thiết bị công nghiệp, cùng lúc này ngành Inox bắt đầu manh nha, đầu tiên là Inox dân dụng. “Dịp may là Công ty cổ phần Hiệp Phát đã tạo điều kiện để tôi chế tạo dây chuyền chế biến cho nhà máy đông lạnh, kế đến là cải tạo nhà máy cô đặc của Công ty Nước giải khát Delta Long An. Tôi bắt đầu từ khâu thiết kế đến chế tạo hoàn chỉnh dây chuyền chế biến khóm đóng hộp. Từ đó, tôi chuyển dần sang ngành Inox” - ông Hòa cho biết.

Đối với ngành Inox dân dụng tương đối đơn giản, nhưng đầu tư sản xuất dây chuyền chế biến đông lạnh không phải ai cũng làm được. Nhờ có nhiều năm gắn bó với nghề và am hiểu dây chuyền chế biến, ông Hòa có nhiều lợi thế hơn đối với lĩnh vực này. Ông bắt đầu chuyển sang thiết kế, chế tạo thiết bị cho các nhà máy chế biến đông lạnh (trái cây, thủy sản) nhằm phù hợp với xu thế đầu tư chung của ngành Công nghiệp chế biến và nhu cầu của người sử dụng.

Tiếng lành đồn xa, đối tác tự giới thiệu với nhau. Giờ đây cơ sở đã sản xuất ra nhiều dây chuyền chế biến đông lạnh cho nhiều nhà máy, có mặt khắp các tỉnh từ Nam đến Bắc. Cơ sở có khả năng thiết kế, chế tạo hoàn chỉnh các dây chuyền chế biến nước quả đóng lon hoặc hộp, dây chuyền cô đặc, các dây chuyền chế biến cá ba sa, cá ngừ.

“Tôi cảm thấy hài lòng và bản lĩnh nhất là thiết kế dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu cho Công ty cổ phần Ngọc Xuân. Đây là dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu với giá chỉ bằng 50% so với các đối tác khác chào giá. Cơ sở Thái Hòa cũng vừa bàn giao máy ép trái cây, cá, đầu tôm cho Công ty TNHH Vietnam food với công suất 3 tấn/giờ, tỷ lệ thu hồi trên 60% và chỉ bằng 50% giá nhập khẩu” - ông Hòa cho biết.

Xuất khẩu dây chuyền sản xuất

Có lẽ cơ sở Thái Hòa là một trong những đơn vị trong ngành cơ khí hiếm hoi của tỉnh có dây chuyền sản xuất xuất khẩu. Ông chủ cơ sở Thái Hòa cho biết, sản phẩm xuất khẩu là hệ thống máy sấy tầng sôi để sấy cơm dừa. Đây là dây chuyền máy sấy có công suất 800 kg thành phẩm cơm dừa/giờ, xuất cho khách hàng là người Thái Lan.

Trước đây, cơ sở Thái Hòa đã sản xuất 3 hệ thống máy sấy cơm dừa tầng sôi cho Công ty TNHH Thế Giới Việt (Bến Tre), chủ  đầu tư là người Thái Lan. Qua sử dụng thấy tính năng ưu việt nên khi mở rộng đầu tư nhà máy tại Indonesia, chủ đầu tư này tiếp tục đặt cơ sở sản xuất 2 hệ thống sấy cơm dừa. Đây là 2 hệ thống máy đầu tiên xuất khẩu, trong 6 hệ thống máy sấy mà cơ sở đã sản xuất thành công.

Ông chủ cơ sở Thái Hòa tâm sự, sấy cơm dừa hiện có nhiều nguyên lý, nhưng hiện nay dạng sấy theo nguyên lý tầng sôi được khách hàng chuộng hơn. Điểm nổi bật của dây chuyền này là trong quá trình sấy, hơi nóng dưới buồng sấy thổi lên có áp lực tương đối sẽ đẩy sản phẩm cần sấy bay lên độ cao nhất định, để cho các hạt không nằm sát nhau, phủ nhiệt đều các hạt và tốc độ bốc hơi tốt hơn sấy tĩnh.

Bên cạnh đó, sấy tầng sôi làm cho sản phẩm hoạt động liên tục, đầu vào, đầu ra liên hoàn, không bị hạn chế như sấy mẻ hay sấy vĩ. Vả lại, ngày nay, tiêu chuẩn nhập cơm dừa của các nước ngày càng cao, khắt khe hơn, yêu cầu tự động hóa gần như 100% mà không cần can thiệp của bàn tay con người nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, muốn đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm buộc các đơn vị sản xuất phải áp dụng công nghệ sấy tầng sôi.

Hệ thống máy sấy mà cơ sở lắp đặt cho khách hàng là hệ thống liên hoàn từ khâu chế biến, xay xát, sấy, làm nguội sản phẩm và phân loại tùy theo kích cỡ hạt cơm dừa khách hàng yêu cầu. Máy sấy cơm dừa tầng sôi đầu tiên mà cơ sở Thái Hòa làm (lắp đặt cho Công ty An Thành, Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) có công suất 400 kg thành phẩm cơm dừa/giờ, sau đó cơ sở nâng công suất máy lên 800 kg thành phẩm/giờ.

Cơ sở Thái Hòa cũng vừa ký hợp đồng sản xuất máy sấy tầng sôi có công suất 1.200 kg thành phẩm cơm dừa/giờ, tương đương từ 2,7-3 tấn cơm dừa nguyên liệu. Đây là máy sấy có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay theo công nghệ tầng sôi.

Theo ông Hòa, giá bán tùy theo công suất hoạt động của từng máy và tùy thuộc khách hàng muốn sử dụng tỷ lệ Inox nhiều hay ít, nhưng dao động từ 800 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng/cái và chỉ bằng 30-40% sản phẩm cùng loại nhập khẩu.

Để chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa sản xuất sản phẩm, từ năm 2008, cơ sở bắt đầu đầu tư công nghệ gia công cơ khí chính xác như: Phay CNC, tiện CNC, cắt Plasma CNC, cắt dây CNC, bắn lỗ CNC, máy dập 45 tấn, máy dập vuốt 350 tấn.

Với năng lực trên, cơ sở đã mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động về thiết kế, chế tạo khuôn mẫu phục vụ cho ngành dập và dập vuốt. Chẳng hạn, hiện tại cơ sở đã đầu tư được máy dập vuốt lớn nhất miền Tây hiện nay, với vốn đầu tư 1 tỷ đồng.

Với năng lực trên, cơ sở đã mở rộng thêm lĩnh vực thiết kế mô phỏng biến dạng kim loại (sử dụng phần mềm Dynaform) và chế tạo khuôn mẫu phục vụ cho ngành dập và dập vuốt; gia công các sản phẩm, chi tiết máy bằng phương pháp dập và dập vuốt.

“Hiện tại, cơ sở đang tập trung nghiên cứu sản xuất theo hướng chi tiết, nhất là những thiết bị linh kiện hỗ trợ như co, linh kiện lắp đặt, khóa van một chiều cho đường ống thực phẩm… Khác với những đơn vị sản xuất - kinh doanh khác luôn có nhu cầu về vốn sản xuất, cơ sở Thái Hòa lại cần được hỗ trợ về công nghệ” - ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

THẾ ANH

.
.
.