Kỳ vọng mã đáo thành công trong năm Giáp Ngọ 2014
Các chỉ tiêu cơ bản của năm 2014 được UBND tỉnh đưa ra là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9,5 - 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,5 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,17 tỷ USD…
Nhìn chung, đây là những chỉ tiêu không dễ đạt được bởi kinh tế Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng vừa chật vật vượt qua khó khăn của năm 2013 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, khi nhận định về triển vọng năm 2014, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH&ĐT lạc quan cho rằng vẫn có nhiều điểm sáng hơn. Chẳng hạn, môi trường kinh doanh sẽ có nhiều thuận lợi nhờ thực hiện theo định hướng chung của Chính phủ là hướng đến nền kinh tế tăng trưởng cao, lạm phát thấp.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu Mỹ, EU sẽ tốt hơn với nhiều cơ hội giao thương do các Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc cũng được đánh giá là có tác động rất lớn tới Việt Nam, tạo cho các DN nhiều cơ hội kinh doanh tốt hơn, lượng đơn đặt hàng sẽ tăng hơn năm 2013. Các yếu tố về tiếp cận thông tin thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng tiện ích và điều kiện giao thông được tiếp tục cải thiện.
Mặt khác, trong thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã tích cực thực hiện việc tái cấu trúc hoạt động, nên mọi nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang tham quan Công ty TNHH VBL Tiền Giang (Khu công nghiệp Mỹ Tho). |
Chính vì vậy, theo nhận định của ông Trần Văn Dũng, dự kiến trong năm 2014 sẽ có 500 DN mới thành lập, với số vốn đầu tư đăng ký trên 1.200 tỷ đồng và có khoảng 150 DN đăng ký bổ sung vốn, với số vốn bổ sung khoảng 900 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp quan trọng. Chẳng hạn như tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp trợ giúp phát triển DN vừa và nhỏ. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư; xây dựng lực lượng xúc tiến đầu tư năng động, hiệu quả. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về DN; giải quyết nhanh và thỏa đáng những kiến nghị của DN.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách huy động vốn linh hoạt, phù hợp theo từng thời điểm để thu hút tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế, tiếp tục giảm lãi suất cho vay; đồng thời, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay tối đa đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, về phía DN cũng cần chủ động tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ các tính toán yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí quản lý, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết… để huy động nguồn vốn thay vì chỉ trông chờ vào nguồn vốn vay của ngân hàng.
Phát biểu với các DN đầu năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang cũng mong muốn rằng năm 2014 phải đạt được các chỉ tiêu cơ bản đã đề ra. Riêng về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phải đạt từ 1,2 - 1,4 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh dự kiến tổ chức hội nghị chuyên đề về xuất nhập khẩu vào quý II-2014, nhằm tìm những giải pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các nhóm ngành mà Tiền Giang có lợi thế. UBND tỉnh cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN theo hình thức chia thành những nhóm cụ thể, chẳng hạn nhóm DN liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thuế, sản xuất - xuất khẩu, đất đai…
Xuất phát từ thực tế hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, hơn lúc nào hết cần phải chung sức, chung lòng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các DN trong cùng ngành, giữa các DN có các ngành hàng bổ trợ nhau và giữa DN với chính quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin việc ra đời của Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua. Đây là một tổ chức nhằm kết nối các doanh nhân là người Tiền Giang ở TP. Hồ Chí Minh với Hiệp hội DN tỉnh; đồng thời cũng mong rằng trong thời gian tới các DN sẽ phát huy thế mạnh của mình, phấn đấu nhiều hơn để phát triển, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Để đạt được các kỳ vọng mà UBND tỉnh đã đề ra, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo một số DN để tìm hiểu về những giải pháp mà các đơn vị này đã đề ra cho năm 2014:
* Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè): Tập trung đầu tư vào vùng nguyên liệu
Đầu tư vào vùng nguyên liệu sản xuất lúa là một trong những chiến lược kinh doanh mới của Công ty TNHH Việt Hưng, một trong những đơn vị xuất khẩu gạo có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
Trong vụ đông xuân 2013 - 2014, công ty đã ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ lúa theo giá bảo hiểm với Tổ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao (xã Mỹ Trung, Cái Bè) với 166 ha, giống lúa OM 4900 (sản lượng dự kiến khoảng 8 tấn/ha).
Công ty đầu tư lúa giống xác nhận trị giá 334 triệu đồng trong 4 tháng không tính lãi và mua theo giá bảo hiểm 5.300 đồng/kg lúa khô.
Nếu tại thời điểm thu hoạch, giá lúa trên thị trường cao hơn giá bảo hiểm thì công ty mua theo giá thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng vừa đầu tư thêm 5 hệ thống sấy lúa nhằm đảm bảo tốc độ sấy lúa khi vào vụ thu hoạch.
Năm 2013, công ty đã xuất khẩu 70 triệu USD. Hiện nay bên cạnh việc cung ứng, công ty đã tập trung xuất trực tiếp gạo sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Australia… và là một trong những DN hiếm hoi trong ngành kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng đều qua các năm, bình quân dao động từ 10 - 15%/năm.
Hiện tại công ty có trên 200 công nhân, 5 chiếc sà lan vận tải với tổng khối lượng vận tải 4.200 tấn, kho bãi 12.000 m2 có sức chứa 20.000 tấn gạo, 1 nhà máy xay xát lúa với công suất 200 tấn/ngày đêm, 3 nhà máy đánh bóng gạo xuất khẩu với công suất 800 tấn/ngày đêm.
* Ông Phạm Quang Bình, Tổng Giám đốc Tipharco: Cố gắng đưa sản phẩm có mặt trên thị trường cả nước
Mặc dù năm 2013 còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tipharco đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.
Theo đó, doanh thu tăng 20%, doanh số bán hàng trúng thầu vào hệ điều trị tăng 3 lần so với năm trước; thu nhập của CB-CNV bình quân từ 2,8 triệu đồng tăng lên 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Điểm đặc biệt là sản phẩm của công ty đã trúng thầu vào các bệnh viện lớn như: Chợ Rẫy, Thống Nhất, Nhi Đồng II…
Bên cạnh đó, trong năm 2013, Tipharco đã trang bị nhiều thiết bị mới, hiện đại như: Dây chuyền dập viên, máy ép gói, máy bao phim công suất lớn, đầu tư nghiên cứu sản phẩm có chất lượng cao, tham gia thử tương đương sinh học 5 sản phẩm mới nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm của Tipharco.
Định hướng sắp tới, công ty sẽ mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền thuốc đông dược nhằm đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sử dụng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên; tham gia có hiệu quả hoạt động đấu thầu thuốc vào hệ điều trị, đưa sản phẩm của Tipharco có mặt trên thị trường cả nước.
* Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Công Tiến (TX. Gò Công): Tăng năng suất lao động ít nhất 10%
Áp lực lớn nhất của công ty hiện tại là chi phí đầu vào tăng từ 18 - 20%, trong khi đơn giá gia công không tăng. Bên cạnh đó, chỉ tiêu mà công ty được giao trong năm 2014 là phải đạt kim ngạch xuất khẩu 9,2 triệu USD, tăng 10%.
Điều này buộc lòng công ty phải tìm mọi cách giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Dự kiến năng suất lao động bình quân năm 2014 phải đạt ít nhất từ 380 - 400 USD/người, tăng ít nhất 10%.
Năm 2013 mặc dù gặp không ít khó khăn do tình hình chung của nền kinh tế, nhưng công ty vẫn sản xuất đạt 5 triệu sản phẩm, năng suất lao động bình quân đạt 360 USD/người, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,3 triệu USD.
Công ty cổ phần May Công Tiến chuyên gia công, xuất khẩu ủy thác các sản phẩm may mặc, hiện có 35 dây chuyền sản xuất theo công nghệ Line, giải quyết việc làm cho 2.300 lao động ở địa phương. Đây là một trong những dự án nằm trong chương trình liên kết giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả cao.
* Ông Lê Sơn Tùng, Phó Tổng Giám đốc GODACO (Khu công nghiệp Mỹ Tho): Dự kiến xuất khẩu đạt 80 triệu USD
Với việc đưa vào hoạt động nhà máy chế biến xuất khẩu mới, Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) dự kiến xuất khẩu đạt 80 triệu USD trong năm 2014.
Nhà máy chế biến thủy sản mới của GODACO chuyên chế biến cá tra phi lê xuất khẩu, có tổng diện tích 7 ha, bao gồm xưởng chế biến cá tra phi lê, xưởng chế biến bột cá, kho lạnh, có tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, trong đó 150 tỷ đồng được đầu tư cho trang thiết bị hiện đại, băng chuyền tự động.
Nhà máy có công suất chế biến 150 tấn cá nguyên liệu/ngày và 100 tấn phụ phẩm cá/ngày ở giai đoạn 1; kho lạnh có sức chứa 5.000 tấn thành phẩm. Nhà máy đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho 1.500 lao động tại địa phương.
Trong định hướng phát triển, GODACO tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu lên 230 ha, đáp ứng 70% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; đồng thời, GODACO tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 3 dây chuyền chế biến thức ăn; đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
GODACO là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản có quy mô tương đối lớn trên địa bàn tỉnh. Năm 2013, công ty đã xuất khẩu được 40 triệu USD sang các thị trường châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ…
THẾ ANH