Chủ Nhật, 09/02/2014, 06:38 (GMT+7)
.

Ngành Công thương Tiền Giang: Tăng tốc ngay từ đầu năm

Năm 2014 ngành Công thương đề ra chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 17.100 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2013; kim ngạch xuất khẩu 1,17 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2013. Để thực hiện hoàn thành kế hoạch, ngành đã tăng tốc ngay từ đầu năm với các giải pháp cụ thể và quyết liệt. Đó là:

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng đến năm 2020; đề án phát triển công nghiệp nông thôn, đề án phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020; đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; đề án phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ giai đoạn 2011-2015;

Các chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, chương trình khuyến công, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Khách du lịch mua sắm quà  lưu niệm ở Cù lao Thới Sơn.
Khách du lịch mua sắm quà lưu niệm ở Cù lao Thới Sơn.

Tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án sản xuất công nghiệp theo quy định hiện hành. Tăng cường đầu tư từ ngân sách, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển các hình thức thương mại văn minh, hiện đại phù hợp quy hoạch. Tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc, hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án đầu tư hạ tầng thương mại theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, giúp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển thương mại và dịch vụ, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về nghị quyết này. Tăng cường tiếp xúc các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang đầu tư nhanh chóng hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định.

Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, gia tăng chế biến, sơ chế các mặt hàng nông sản; triển khai có hiệu quả chương trình phát triển thương mại điện tử, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Bồi dưỡng nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kỹ năng xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ nghiệp vụ các doanh nghiệp nhỏ chuyển từ gia công, xuất khẩu ủy thác sang xuất khẩu trực tiếp.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, tiêu thụ hàng hóa theo các dự án. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”.

Tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, chấn chỉnh mạng lưới lưu thông, phân phối để kiềm chế những biến động giá cả bất lợi đối với những mặt hàng nhạy cảm nhưng vẫn đảm bảo hàng hóa lưu thông thông thoáng, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, sẽ có những giải pháp cụ thể đối với từng doanh nghiệp. Cụ thể:

* Công ty Điện lực Tiền Giang: Sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 21-2-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện tiết kiệm điện và an toàn điện; Công văn 3752/UBND-CN ngày 23-8-2013 của UBND tỉnh về tăng cường tuyên truyền và thực hiện an toàn trong sử dụng điện.

Trước mắt phải tự kiểm tra và thực hiện sửa chữa ngay các lưới điện không đảm bảo an toàn đối với toàn bộ lưới điện của những tổ điện đã bàn giao cho Công ty Điện lực Tiền Giang quản lý, không để địa phương kiểm tra, phản ánh rồi mới tiến hành sửa chữa.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện bằng vốn của ngành Điện, các công trình theo đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp sau điện kế của tổ điện, các công trình bằng vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức; bố trí vốn và thực hiện đầu tư, cải tạo lưới điện trên địa bàn 11 xã điểm được chọn xây dựng nông thôn mới sao cho đến năm 2015 các xã điểm này đạt tiêu chí số 4 về điện. Khi thi công xong tuyến nào thì tổ chức nghiệm thu đóng điện ngay tuyến đó, di dời điện kế qua lưới điện mới, thu dọn lưới điện cũ.

Tiến hành khảo sát, thống kê và có giải pháp thực hiện để xóa tình trạng nhiều điện kế cùng gắn trên một trụ điện, từ đó mỗi hộ kéo dây chằng chịt về nhà làm mất an toàn và mất mỹ quan lưới điện hạ áp nông thôn. Có phương án bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 * Công ty Xăng dầu Tiền Giang:  Cân đối các nguồn cung ứng, xây dựng kế hoạch dự trữ xăng dầu, chỉ đạo các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và yêu cầu các đại lý trong hệ thống phân phối cung ứng bảo đảm đủ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết theo giá quy định.

Tiếp tục thực hiện tốt các nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, không để các cửa hàng trực thuộc, đại lý thuộc hệ thống phân phối vi phạm về đo lường và chất lượng xăng dầu, sử dụng cột bơm quá hạn kiểm định, bán xăng không đúng chủng loại... không để vi phạm Nghị định 104/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 105/2011/NĐ-CP ngày 16-11-2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.  

SƠN PHẠM

.
.
.