Ngành Nông nghiệp và câu chuyện đầu năm
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng nhất trong năm 2014 của ngành Nông nghiệp là tập trung vào việc tái cơ cấu của ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, 2 nội dung rất được quan tâm là liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa.
CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN: KHÔNG CHỈ CÓ CÂY LÚA
Mô hình nổi bật nhất trong liên kết và tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi giá trị là “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML). Mô hình đã được triển khai hơn 3 năm và hiệu quả đạt được đã khẳng định cả về quy mô lẫn diện tích.
Chỉ tính riêng khu vực Nam bộ, trong vụ đông xuân 2012-2013, toàn vùng có 76 ngàn ha thực hiện mô hình CĐML, còn vụ hè thu có 54 ngàn ha thực hiện. Trên cơ sở hiệu quả bước đầu được khẳng định, ngành dự kiến sẽ chuyển mô hình sang giai đoạn 2 trong năm 2014, mà cụ thể là xây dựng vùng nguyên liệu lúa, thương hiệu xuất khẩu gạo.
Những vùng sản xuất lúa hiệu quả thấp, đang được khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả trên nền đất lúa. |
Không dừng lại ở cây lúa, mô hình CĐML còn đang hướng đến áp dụng cho các loại cây trồng khác. Nói về vấn đề này, trong phát biểu gần đây, TS. Nguyễn Văn Hòa (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho rằng, xây dựng CĐML nên mở rộng sang các loại cây trồng khác. Ông phấn khởi cho biết:
“Qua trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang, lãnh đạo công ty này đã hứa sẽ tiến hành xây dựng mô hình CĐML trên cây ăn trái ở một số nơi trong thời gian tới, trước hết là ở các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang”.
Nếu những dự kiến trên được triển khai thực hiện sẽ mở ra hướng phát triển mới, khai thác tốt hơn nữa tiềm năng của loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh bậc nhất trong vùng, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao chất lượng trái cây.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa mọi công việc đều thuận lợi. Thực tế phản ánh từ các tỉnh, thành cho thấy, dù hiệu quả và tính bền vững của mô hình đã được khẳng định, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là khâu nhân rộng mô hình. Báo cáo mới đây của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, việc tổ chức mô hình ở nhiều tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau vẫn còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện đặc thù và quy mô diện tích.
Việc tổ chức triển khai mô hình ở các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long còn rời rạc, chưa thống nhất được các tiêu chí mô hình. Ngay tại Tiền Giang, các huyện cũng đang kêu khó trong tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nói về cái khó trong triển khai mô hình CĐML, lãnh đạo UBND huyện Gò Công Đông cho biết, thời gian qua mô hình được thực hiện tại một số xã xây dựng NTM, chủ yếu do Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện, vẫn còn xã NTM chưa thể triển khai được do chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang, doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện mô hình trên cho rằng, hiện nay mỗi nơi thực hiện mô hình theo một kiểu và đề xuất đã đến lúc các bên cần ngồi lại với nhau đánh giá đơn vị nào thực hiện hay, tốt để chia sẻ kinh nghiệm.
Đây cũng là kiến nghị của nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và vùng Nam bộ nói chung để mô hình đi đúng hướng, phát triển rộng rãi, đưa cây lúa phát triển bền vững. Cũng từ đây cho thấy rằng, năm 2014 đang hứa hẹn mở ra nhiều tín hiệu vui cho cây lúa.
LINH HOẠT SỬ DỤNG ĐẤT LÚA
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp không ngoài mục đích là nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của nông dân. Thời gian qua, chủ trương này được các cấp, các ngành tập trung triển khai. Song, nỗ lực trên đã gặp một số trở ngại do sự “lấn cấn” giữa chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả (chủ yếu là sản xuất lúa hiệu quả thấp) với chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.
Trong phát biểu, chỉ đạo gần đây của lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã tháo gỡ những “lấn cấn” trên cho các địa phương khi cho rằng, việc duy trì 3,8 triệu ha đất lúa trên cơ sở có thể sử dụng linh hoạt tùy theo điều kiện, lợi thế của từng vùng.
Tháo gỡ “nút thắt” này, các tỉnh, thành trong khu vực đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng dưới chân ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống nông dân, nhưng vẫn đảm bảo hiện trạng của nền đất lúa (khi cần có thể sản xuất lúa trở lại) và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những loại cây được ưa chuộng để chuyển đổi là mè, các loại đậu, rau màu...
Sở NN&PTNT Tiền Giang đã đặt mục tiêu và phương phướng nhiệm vụ năm 2014 theo hướng xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM. Trong trồng trọt, ngành đẩy mạnh phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị. Trong chăn nuôi, ngành từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang hướng tập trung, trang trại, gia trại; hình thành vùng chăn nuôi tập trung tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học. Đối với thủy sản, ngành tập trung vào sản xuất thâm canh các đối tượng chăn nuôi chủ lực như tôm sú, nghêu, cá tra, khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành chăn nuôi tốt; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh. |
Tại Tiền Giang đã hình thành nên các vùng sản xuất rau màu khắp các huyện, thành, thị; trong đó, cây rau màu dưới chân ruộng phát triển rất mạnh và mang lại hiệu quả khá cao, đời sống người dân không ngừng được nâng lên như ở huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành.
Ngay cả ở vùng đất có nhiều khó khăn như huyện Tân Phú Đông, nông dân đã chuyển đổi từ sản xuất lúa sang cây màu đến trên 800 ha. Không dừng lại ở khuyến khích, một số tỉnh, thành còn xây dựng chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang đã chỉ đạo Sở NN&PTNT gấp rút xây dựng đề án tái cơ cấu ngành.
Còn trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp khu vực Nam bộ năm 2014, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh mô hình CĐML lớn; tập trung vào tái cơ cấu ngành để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với những động thái trên cùng với “gỡ nút thắt” trong sử dụng nền đất lúa đã mở ra tín hiệu lạc quan cho ngành Nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống nông dân trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
N.VĂN