Thứ Tư, 12/02/2014, 09:59 (GMT+7)
.

Ông Trình Văn Còn: Năng động vượt khó, chuyển đổi cây trồng để làm giàu

Ở xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy), ông Trình Văn Còn nổi tiếng là nông dân năng động, nhạy bén và giỏi xử lý sầu riêng nghịch vụ. Chỉ với 85 cây sầu riêng RI 6 trồng trên 4000m2 đất, năm 2013 ông thu hoạch 9 tấn sầu riêng nghịch vụ, bán với giá 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 350 triệu đồng. Nhờ thu hoạch cao từ cây sầu riêng nghịch vụ, từ một nông dân nghèo, ông trở thành “triệu phú” miệt vườn, có cơ ngơi vững vàng.

Ông Trình Văn Còn báo cáo tại Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Cai Lậy năm 2013.
Ông Trình Văn Còn báo cáo tại Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Cai Lậy năm 2013.

Phần đất này trước kia ông trồng chôm chôm. Thấy chôm chôm hiệu quả kinh tế không cao, vào mùa vụ thường mất giá, thu nhập bấp bênh nên ông quyết định chuyển toàn bộ sang trồng sầu riêng giống RI 6 chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.

Ông tìm tòi học hỏi và nắm vững kỹ thuật canh tác: Tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và các nhà khoa học. Sầu riêng sau 5 năm tuổi kể từ khi trồng đã bắt đầu cho trái, những năm sau năng suất càng cao.

Rút kinh nghiệm về phân bố mùa vụ thu hoạch để tránh tình trạng trúng mùa, mất giá, ông quan tâm học tập và nắm vững quy trình xử lý sầu riêng cho trái mùa nghịch nhằm bán được giá cao. Vụ nghịch đầu tiên ông thực hiện vào năm 2012 thành công lớn.

85 gốc sầu riêng RI 6 đều ra hoa đồng loạt, tỷ lệ đậu trái rất cao do thời tiết thuận lợi và xử lý đúng kỹ thuật, cho thu hoạch 6 tấn trái, bán giá 28.000 đồng/kg, thu lãi 140 triệu đồng. Vụ nghịch thứ hai (năm 2013), ông cũng tiếp tục giành được thành công lớn. Sản lượng thu được gấp 1,5 lần so năm 2012, nhờ giá bán cao gấp đôi (45.000 đồng/kg) nên thu nhập gấp 2,5 lần.

Qua thành công liên tiếp trong 2 năm qua, ông Còn đúc kết được một số kinh nghiệm rất hay, bảo đảm cho sản xuất sầu riêng vụ nghịch thắng lợi. Đó là sau khi thu hoạch, ông tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân hữu cơ kết hợp phân hóa học theo tỷ lệ nhất định; đồng thời phun hóa chất kích thích cho cây ra đọt non.

Khi cơi đọt thứ nhất bắt đầu già, ông tiếp tục bón phân chăm sóc. Các cơi đọt thứ 2, thứ 3 cũng bón phân chăm sóc với chủng loại phân và số lượng sử dụng như trước, có gia giảm lượng phân bón phù hợp. Đến khi cơi đọt thứ tư là cơi đọt cuối đã ra hoàn toàn, bắt đầu tiến hành phủ nylon mặt liếp, bón phân phun qua lá và phun các chất kích thích để cây ra hoa, kết trái.

Khi sầu riêng ra hoa đạt 80% trở lên bắt đầu dỡ nylon để chuyển sang quy trình chăm sóc trong giai đoạn cây đậu trái. Trong thời điểm này, tiếp tục bón phân, chăm sóc trái. Để trái tốt, chất lượng và bán có giá, ông tỉa bớt trái nhỏ, bị đèo, bón phân hữu cơ kết hợp vô cơ để cây nuôi trái và sung mãn.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cai Lậy nhận xét: “Ông Trình Văn Còn là điển hình nông dân năng động vượt khó, chuyển đổi sản xuất thành công tại vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của địa phương.

Ông còn thường xuyên giúp đỡ bà con nghèo quanh vùng về kỹ thuật, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất thâm canh sầu riêng, cũng như tài trợ làm những việc công ích, phát huy được vai trò của hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu. Trong dịp Tết năm qua, ông Còn ủng hộ 1,5 triệu đồng giúp đỡ các hộ gia đình nghèo khó tại địa phương vui Tết. Đó là những nghĩa cử đáng trân trọng”.

MỘNG TUYẾT

.
.
.