Chủ Nhật, 16/02/2014, 10:19 (GMT+7)
.

Tận dụng lợi thế để phát triển cây ca cao bền vững

Theo các nhà chuyên môn, sản xuất ca cao của Việt Nam đang có nhiều lợi thế và cơ hội như chất lượng tốt, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới cao, đặc biệt là châu Á.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, tính đến tháng 11-2013, diện tích ca cao cả nước đạt 22.110 ha. Trong đó, có nhiều tỉnh hiện có diện tích trên 1.000 ha như Bến Tre 7.342 ha; Bà Rịa-Vũng Tàu 2.787 ha; Tiền Giang 2.578 ha; Đắk Lắk 2.554 ha; Bình Phước 1.310 ha; Đồng Nai 1.015 ha; Lâm Đồng 1.700 ha; Vĩnh Long 1.244 ha… Mục tiêu đến năm 2015, diện tích ca cao cả nước sẽ đạt 60.000 ha và được nâng lên 80.000 ha vào năm 2020. 

 Vườn ươm ca cao của Công ty Cao nguyên xanh (Đắk Lắk). Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Vườn ươm ca cao của Công ty Cao nguyên xanh (Đắk Lắk). Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tăng diện tích cần đi đôi với nâng cao chất lượng

Cùng với tăng nhanh diện tích, các tỉnh này cũng đang tập trung phát triển mô hình Câu lạc bộ ca cao đạt chứng nhận sản xuất sạch, bền vững, thân thiện với môi trường (UTZ), đến nay cả nước có gần 100 câu lạc bộ loại này.

Theo ông Tự, mặc dù sản lượng không nhiều nhưng chất lượng ca cao Việt Nam thuộc loại cao và được thị trường tiêu thụ rất ưa chuộng. Để có ca cao chất lượng thì yêu cầu quan trọng là hạt ca cao phải được lên men đúng kỹ thuật.

Ngoài ra, còn phải đảm bảo các yếu tố như hàm lượng chất béo phải cao, hàm lượng acid béo tự do thấp; tỷ lệ tạp chất và hạt mốc, hạt vỡ, hạt mọt thấp và số lượng hạt trong 100g phải nhỏ hơn hoặc bằng 100 hạt, đây là là những chỉ tiêu liên quan đến giống và kỹ thuật canh tác và chế biến.

“Sản lượng ca cao trên thế giới có khi thiếu có khi thừa nhưng sản phẩm chất lượng thì luôn luôn thiếu. Chỉ xét riêng vùng Đông Nam Á, mặc dù sản lượng của Indonesia đứng hàng thứ 3 trên thế giới nhưng các nhà máy trong vùng phải nhập hạt từ Tây Phi do hạt ca cao của Indonesia chất lượng rất thấp. Cùng với việc mở rộng diện tích, để ngành ca cao non trẻ của Việt Nam phát triển bền vững, ngay từ bây giờ cần phải chú trọng ngay đến việc kiểm soát chất lượng”, ông Lương Văn Tự cho biết.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ ca cao trên thế giới đến năm 2020 sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn/năm. Nhu cầu tiêu thụ ca cao ở châu Á hàng năm hiện vào khoảng 500.000 tấn, trong khi đó, Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu được hơn 3.000 tấn mỗi năm, một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường.

Cần chiến lược phát triển toàn diện

Thực tế tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng ca cao hiện vẫn còn chậm, nhiều nơi nông dân vẫn còn nghi ngờ vào khả năng mang lại hiệu quả kinh tế của loại cây này.

Theo ông Phan Huy Thông, Trưởng ban Điều phối ca cao Việt nam (VCC), năm 2012 và đầu 2013, do giá mua hạt ca cao xuống thấp, kết hợp với ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi làm hiệu quả và thu nhập của người trồng ca cao giảm sút, một số nơi có tình trạng nông dân không đầu tư chăm sóc hoặc chặt đốn ca cao để trồng cây khác.

Theo thống kê, tổng diện tích ca cao bị đốn bỏ khoảng 3.135 ha, trong đó nhiều nhất là Bến Tre 1.408 ha, Lâm Đồng 697,5 ha, Bình Phước 555,6 ha, Đồng Nai 354 ha, Đắk Nông 107 ha, Bà Rịa-Vũng Tàu 6 ha, Đắk Lắk 5 ha.

Tuy nhiên, hiện tượng đốn chặt ca cao chủ yếu xảy ra trên diện tích trồng phân tán, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. VCC cùng Cục Trồng trọt và các địa phương có cây ca cao phối hợp phân tích nguyên nhân, cung cấp thông tin dự báo về tình hình suy giảm sản lượng cao cao thế giới trong những năm tới và đưa ra những khuyến cáo, hướng dẫn nông dân kiên trì chăm sóc, thâm canh, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm ca cao Việt Nam.

Hiện giá ca cao trên thị trường đang tăng lên, ở mức 50.000-55.000 đồng/kg hạt khô lên men, trái tươi từ 4.300-4.500 đồng/kg, do đó người nông dân đã yên tâm và  tình trạng đốn bỏ ca cao đã giảm hẳn.

Ông Lương Văn Tự cho rằng, đã đến lúc cần có một chiến lược phát triển toàn diện ngành ca cao Việt Nam. Theo đó, trước hết cần tập trung nghiên cứu trong nước và tiếp thu nhanh những thành tựu đã đạt được từ các nước thành công trong sản xuất ca cao với năng xuất và chất lượng cao trên thế giới như Ghana, Venezuela, Ecuador, Malaysia...

Việc làm có ‎ý nghĩa trước mắt và lâu dài trong mục tiêu sản xuất bền vững là đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trên diện rộng. Theo đó, người trồng phải biết được kỹ thuật tốt nhất ngay từ đầu, tránh phải mò mẫm dẫn đến việc có thể hình thành những tập quán sản xuất không hiệu quả, sẽ khó hoặc không thể thay đổi sau này. Tránh bài học trồng ca cao ở Indonesia, dù có sản lượng lớn nhưng chất lượng và giá cũng thấp nhất thế giới.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản l‎ý Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là ca cao xuất khẩu nhằm xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam ngay từ bây giờ.

Còn theo ông Phan Huy Thông, hiện có rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước tham gia phát triển ca cao của Việt Nam như Dự án hợp tác công tư (PPP) về phát triển ca cao bền vững của Chính phủ Hà Lan; dự án của ACDI/VOCA; các dự án nghiên cứu chọn giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, lên men hạt ca cao, chế biến sản phẩm từ ca cao, mô hình ca cao trồng xen xen dưới tán dừa, nhãn, chôm chôm... của các trường và viện lĩnh vực nông nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng đẩy mạnh hỗ trợ người trồng ca cao trong việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, các kỹ thuật canh tác bền vững, các hình thức liên kết theo chuỗi sản phẩm...

Hiện VCC đang phối hợp với Cục Trồng trọt xây dựng, đề xuất với Bộ NN&PTNT trình Chính phủ một số chính sách như hỗ trợ trồng xen ca cao với một số cây trồng khác; lộ trình áp dụng mức  thuế xuất nhập khẩu hạt và các sản phẩm ca cao phù hợp với các cam kết của khu vực; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hạt ca cao khô; chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hoá sản phẩm để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng nhằm phát triển ca cao ở Việt Nam bền vững.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.