Thứ Hai, 24/03/2014, 14:11 (GMT+7)
.

Chuyện kể về 2 địa danh "xóm chòi" và "xóm lá" ở Tân Phú Đông

“Xóm chòi” thuộc ấp Tân Ninh, “xóm lá” thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông). 2 địa danh này được bắt nguồn từ đặc điểm tình hình đời sống kinh tế và nghề nghiệp của người dân trong ấp. Theo đó, “xóm chòi” được hiểu đơn giản là phần lớn nhà dân trong xóm được cất theo kiểu thô sơ, tạm bợ như chòi, nên mới gọi là “xóm chòi”.

Tuy nhiên, đó là chuyện ngày xưa, còn hiện nay, nhờ đời sống kinh tế đã phát triển nên điều kiện về nhà ở của người dân “xóm chòi” đã được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ gia đình nhờ trồng mãng cầu Xiêm, có thu nhập cao nên đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, khang trang, góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn trong ấp. Bằng chứng là cổng ấp văn hóa Tân Ninh được đặt trên con đường dal dẫn vào “xóm chòi”.

Vườn mãng cầu Xiêm trái sum suê ở “xóm chòi” ngày nay thuộc ấp Tân Ninh, xã Tân Phú.
Vườn mãng cầu Xiêm trái sum suê ở “xóm chòi” ngày nay thuộc ấp Tân Ninh, xã Tân Phú.

Còn về “xóm lá” được mọi người biết đến bởi nhiều năm qua, trong xóm này có nhiều hộ gia đình sống bằng nghề chằm lá lợp nhà. Lá dừa nước được trồng nhiều theo sông rạch là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển nghề này của bà con trong xóm.

Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng lá lợp nhà không còn nhiều như trước đây, nên hiện nay số hộ gia đình sống bằng nghề chằm lá cũng thưa dần. Hiện còn rất ít hộ làm nghề chằm lá để giải quyết tình trạng lao động nông nhàn, hầu hết đã chuyển sang ngành nghề khác có thu nhập khá hơn.

Anh Nguyễn Ngọc Tiến, ngụ ấp Tân Thành, nhiều năm sống bằng nghề mua bán lá chằm cho biết: Trước đây, lá chằm được tiêu thụ mạnh trên thị trường, nghề chằm lá cũng từ đó mà phát triển theo. Khi đó, cả xóm có trên 50 hộ theo nghề này, đêm ngày chằm lá nhộn nhịp, đông vui lắm… nhưng giờ đây, không khí này không còn nữa.

Sống bằng nghề chằm lá, hàng ngày anh Tiến đi mua lá trong vùng, sau khi đốn đem về trại, nhờ bà con trong xóm đến chằm tại chỗ hoặc nhận đem về nhà chằm. Tiền công chằm hiện nay là 12.000 đồng/100 lá, người chằm giỏi mỗi ngày cũng chỉ chằm được 300 lá, thu nhập được 36.000 đồng. Với mức thu nhập này, nhiều người không trụ được với nghề chằm lá.Trong khi giá thị trường hiện nay cũng chỉ 80.000 đồng/100 lá và khó tiêu thụ.

Cứ sau vài tháng, anh Tiến dùng ghe máy chở 8.000 (8 thiên) lá đi giao cho 1 vựa lá tại xã Tân Hương, thuộc huyện Châu Thành. Lộ trình đi cũng rất vất vả. Ghe ra sông Cửa Trung, vào Cửa Tiểu, vô Sông Tiền, rồi rẻ vào kinh Chợ Gạo mới vô được rạch Bảo Định để đến được nơi giao hàng. Mỗi chuyến đi như thế mất hết 6 giờ.

Sau khi trừ chi phí công cán, xăng dầu thì 100 lá anh Tiến thu lợi 20.000 đồng, với 8 thiên lá anh thu được 1,6 triệu đồng, mà phải bỏ công hàng mấy tháng trời. Chính vì vậy hiện nay anh không theo nghề này nữa mà đi làm công cho bà con trong vùng, ai kêu gì làm nấy, từ đào mương lên liếp đến phụ hồ… Không riêng gì anh Tiến mà nhiều hộ gia đình trong xóm cũng đã bỏ hẳn nghề chằm lá vì thu nhập không đáng là bao, đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Như vậy, qua câu chuyện về “xóm chòi” và “xóm lá” nêu trên cho thấy: 2 địa danh này cách nhau không xa lắm, mà đời sống kinh tế lại có sự chênh lệch khá xa. “Xóm chòi” ngày nào, giờ đây nhờ trồng mãng cầu Xiêm mà nhiều hộ dân trở nên khá giả, cất được nhà cửa kiên cố, khang trang, mặc dù tên gọi “xóm chòi” vẫn chưa bị xóa đi trong cộng đồng dân cư nơi đây.

Trong khi “xóm lá”, đã nhiều năm cật lực với nghề thủ công truyền thống mà nhiều hộ vẫn chưa thoát được cảnh nghèo khó. Điều đó nhắc nhở các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương khi quy hoạch vùng sản xuất cần nghĩ đến đặc điểm ngành nghề, điều kiện môi trường… để có chính sách đầu tư phát triển thích hợp.

Riêng như trường hợp của đông đảo người dân nơi “xóm lá”, cần có chính sách hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm để bà con tự chuyển đổi sang ngành nghề khác vì nghề chằm lá không còn thịnh hành nữa.

HỮU DƯ

.
.
.