Công ty Lương thực TG: Đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa theo hợp đồng
Những ngày qua, nông dân ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè phản ánh: Hàng trăm ha lúa Jasmine 85 trong cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã chín vàng rục nhưng không được Công ty Lương thực Tiền Giang bao tiêu như hợp đồng trước đó. Nguyên nhân do nông dân và phía công ty chưa đưa ra được giá thỏa thuận.
Công ty Lương thực tỉnh đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa vào sáng ngày 13-3. |
Đại diện nông dân ở đây cho biết, đầu vụ lúa đông xuân 2013 - 2014, Hợp tác xã Hậu Mỹ Trinh (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) đứng ra vận động hàng trăm nông dân tham gia trồng lúa Jasmine 85 trong CĐML để cung cấp cho Công ty Lương thực Tiền Giang.
Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch thì giá lúa tuột giảm, khiến 2 bên chưa thống nhất về giá cả. Phía công ty mua nhỏ giọt và cũng không có ý kiến phản hồi đối với những nông dân còn lại. Biết được sự trục trặc giữa nông dân và phía doanh nghiệp, nhiều thương lái “nhảy” vào ép giá nông dân. Nhưng vì đã ký hợp đồng trước đó nên nông dân vẫn cố gắng đợi thêm.
Ông H.V.A (Mỹ Trinh A, Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè) cho biết, gia đình ông trồng 1ha lúa Jasmine 85. Với trà lúa như hiện nay thì đã thu hoạch trước đó 4 - 5 ngày. Lúa trên ruộng đã chín rục nhưng Công ty Lương thực Tiền Giang, Kho Lương thực Hậu Mỹ Trinh (Công ty Lương thực Tiền Giang) vẫn “bặt vô âm tính” và chưa có động thái nào để tiến hành thu mua cho nông dân. Theo người dân, thu hoạch như vậy là trễ lịch thời vụ so với ngành Nông nghiệp đưa ra. Đây cũng là một trong những khó khăn khi áp lực rầy nâu và sâu bệnh ở vụ sau.
Sáng ngày 13-3, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang đích thân đến ruộng lúa nằm trong CĐML để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu mua cho nông dân. Ông Khiêm cho biết, những ngày qua, dư luận cho rằng Công ty Lương thực Tiền Giang thu mua lúa còn chậm, để lúa chín rục ngoài đồng là không chính xác. Bởi cánh đồng này trồng lúa dài ngày, đặc sản nên thời gian cũng dài hơn so với các giống lúa khác.
“Trong vụ đông xuân 2013 - 2014, Công ty Lương thực Tiền Giang ký hợp đồng bao tiêu 250ha lúa Jasmine 85 của bà con nông dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Trong quá trình canh tác, cán bộ của công ty thường xuyên đến hỗ trợ về mặt kỹ thuật để nông dân yên tâm sản xuất.
Trước khi thu hoạch vài ngày, phía doanh nghiệp cũng đã phối hợp với chính quyền xã, nông dân đến khảo sát ruộng lúa, thỏa thuận giá cả và tiến hành thu mua theo hình thức mua trực tiếp từ nông dân, mua cả lúa tươi và lúa khô tại kho, tại ruộng, tại sân phơi của nông dân. Tuy nhiên, trong vụ này, chất lượng lúa không tốt so với các năm trước, tỷ lệ lẫn tạp cao… nên phía công ty và nông dân còn chệch choạc trong việc thỏa thuận giá cả” - ông Khiêm cho biết thêm.
SĨ NGUYÊN