Thứ Hai, 17/03/2014, 05:19 (GMT+7)
.

ĐBSCL:Chủ động phòng chống hạn, mặn đảm bảo sản xuất đông xuân và hè thu

Ngày 14-3, tại TP. Mỹ Tho, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2013-2014 và vụ hè thu 2014 ở  ĐBSCL.

Theo Tổng Cục Thủy lợi và Cục Trồng trọt, vụ lúa đông xuân 2013-2014, ĐBSCL gieo sạ hơn 1,6 triệu ha. Các trà lúa đang được chăm sóc và bắt đầu thu hoạch ở những diện tích gieo sớm với tổng diện tích được tưới hơn 1,58 triệu ha.

Trong đó, có khoảng 100.000 ha/650.000 ha ở các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Vụ hè thu 2014, toàn vùng dự kiến gieo sạ trên 1,7 triệu ha lúa.

Cống Vàm Giồng, một trong những cống ngăn mặn, trữ ngọt quan trọng của vùng ngọt hóa Gò Công, đã
Cống Vàm Giồng, một trong những cống ngăn mặn, trữ ngọt quan trọng của vùng ngọt hóa Gò Công.

Để hạn chế tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng trong vùng ở 2 vụ lúa trên, Tổng cục Thuỷ lợi đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về thuỷ lợi như đóng cống ngăn mặn trữ nước ngọt kịp thời; đắp đập thời vụ (đập tạm) ngăn mặn, ưu tiên đầu tư nạo vét kinh mương trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Các tỉnh trong vùng cần theo dõi, giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình để vừa đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn và vừa đưa nước ngọt về, đặc biệt là các vùng bán đảo Cà Mau và các hệ thống ngọt hóa ven biển…

Các địa phương cũng chủ động thoát nước định kỳ và nguồn nước ô nhiễm trên kinh rạch, cập nhật dự báo dài hạn, ngắn hạn về thời tiết, thủy văn và diễn biến mặn; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…

N.VĂN

.
.
.