Thứ Sáu, 28/03/2014, 12:20 (GMT+7)
.

Làng nghề làm nên món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á

Hủ tiếu Mỹ Tho lại được vinh danh tại Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 27 của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, khi vinh dự được nhận Bằng công nhận xác lập món ăn ẩm thực đạt giá trị ẩm thực châu Á. Đây là món ăn được công nhận vào TOP 100 món ẩm thực châu Á và TOP 10 món ăn đặc sản Việt Nam lần thứ 2-2014. Thông tin này đã làm nức lòng không riêng các hộ dân Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho (ở ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) mà còn là của những người yêu thích món hủ tiếu Mỹ Tho.

Bánh hủ tiếu đem đi phơi. Ảnh: Huỳnh Ngọt
Bánh hủ tiếu đem đi phơi. Ảnh: Huỳnh Ngọt

Trở lại Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho, sau khi món hủ tiếu Mỹ Tho được lọt vào TOP 100 món ẩm thực châu Á và TOP 10 món ăn đặc sản Việt Nam thì không khí sản xuất của các lò làm hủ tiếu ở đây vẫn diễn ra như thường ngày. Tại lò hủ tiếu của anh Nguyễn Văn Thanh (ở ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong), một người có thâm niên làm hủ tiếu hơn 15 năm, vẫn có nhiều thợ làm hủ tiếu lành nghề thăn thoắt đôi tay đưa bánh hủ tiếu vào máy cắt để cắt bánh thành phẩm, kịp cung ứng ra thị trường.

“Hủ tiếu Mỹ Tho có hương vị riêng là nhờ sự hoàn thiện từ hạt gạo làm ra sợi hủ tiếu đến nồi nước súp và tuyệt kỹ pha chế của các đầu bếp. Nhưng có ai biết được để làm nên cọng hủ tiếu là cả một chặng đường” - anh Thanh cho biết.

Theo anh Thanh, ở làng nghề sản xuất Hủ tiếu Mỹ Tho thường bắt đầu một ngày làm việc từ lúc 4 giờ sáng. Trước đó, gạo được ngâm 1 ngày đêm để hạt nở đều. Gạo ngâm kỹ được xay tạo thành bột. Bột gạo cho vào bồn chứa lắng lại, lọc bỏ nước trong, rồi bơm lên máy hấp, hấp chín trong vòng từ 2 đến 3 phút, sau đó đổ ra khuôn tạo thành từng tấm bánh hủ tiếu to, dài, nóng hổi.

Từng khuôn bánh được chuyển theo băng chuyền xếp lên những tấm vỉ phơi làm bằng tre rồi mang ra phơi ngoài trời nắng hoặc dùng máy sấy nếu gặp thời tiết xấu. Đến trưa, khi những tấm bánh đã vừa đủ độ khô sẽ mang vào máy cắt, đây là công đoạn cuối cùng để thành sợi hủ tiếu. Đến khoảng xế chiều, sợi hủ tiếu thành phẩm được kiểm tra, đóng gói cẩn thận, chất lên xe giao đến các điểm thu mua, kết thúc một ngày làm việc bận rộn.

Nhiều người cho rằng, hủ tiếu ngon nhất phải làm bằng gạo Gò Cát có ở địa phương. Sợi hủ tiếu làm bằng gạo Gò Cát thường dai, trong và giòn hơn những loại gạo khác. “Tuy nhiên, gạo Gò Cát hiện đang hiếm dần và không còn đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất hủ tiếu nữa.

Do đó, các lò hủ tiếu ở Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho đã chọn nhiều loại gạo ở các nơi khác như: Đồng Tháp, Cai Lậy, Chợ Gạo… để làm hủ tiếu. Nhưng để giữ nét đặc trưng của sợi hủ tiếu làng nghề thì loại gạo dùng để làm hủ tiếu cũng phải được các lò làm hủ tiếu lựa chọn cẩn thận và phải là những giống gạo nở, có mùi thơm ngon riêng” - anh Thanh cho biết.

Trước đây, 100% các khâu công việc làm bánh hủ tiếu đều được làm bằng thủ công, vừa vất vả, cực nhọc nhưng năng suất lại kém, bánh hủ tiếu làm ra không đẹp và bắt mắt. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng rộng rãi, trong việc sản xuất bánh hủ tiếu tại Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho cũng được cơ giới hóa hầu hết các công đoạn: Xay bột, tráng bánh, phơi sấy, cắt và đóng gói...

Nhờ vậy, đã giúp tăng năng suất sản xuất lên gấp đôi so với trước đây. Cụ thể, trước đây một lò sản xuất bánh hủ tiếu sử dụng 10 lao động, chỉ có thể làm ra 300 kg bánh hủ tiếu/ngày, thì hiện nay đã sản xuất đến 600 kg bánh hủ tiếu/ ngày.

Với 10 lò sản xuất hủ tiếu, trung bình mỗi ngày Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho cung ứng cho thị trường 6 tấn sản phẩm. Chính việc tự động hóa và cơ giới hóa các công đoạn chế biến hủ tiếu tại Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho được các lò sản xuất bánh hủ tiếu hết sức chú ý không chỉ góp phần tăng năng suất sản xuất mà đã nâng chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường.

Trong lộ trình khẳng định làng nghề truyền thống, vào tháng 12-2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho”. Tỉnh Tiền Giang cũng công nhận Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho là một trong 13 làng nghề đầu tiên của tỉnh cần được đầu tư phát triển một cách toàn diện.

Bánh hủ tiếu sản xuất tại Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho đang được đóng gói đưa đi tiêu thụ.
Bánh hủ tiếu sản xuất tại Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho đang được đóng gói đưa đi tiêu thụ.

Ngoài ra, địa phương cũng thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho, quy tụ 10 lò sản xuất bánh hủ tiếu nổi tiếng từ lâu tại đây; đồng thời đã hỗ trợ làng nghề gần nửa tỷ đồng triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến hủ tiếu quy mô vừa và nhỏ có công suất 1 tấn/ngày”.

Hiện Hệ thống thiết bị chế biến hủ tiếu này được đặt tại cơ sở sản xuất hủ tiếu của ông Trương Văn Thuận, Tổ trưởng THT sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho và vận hành vào sản xuất mang lại hiệu quả như: Tăng năng lực sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe người lao động, giảm thiểu chất đốt và các khí thải độc hại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Sản phẩm hủ tiếu của THT sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho hiện là thương hiệu đáng tin cậy với thị trường tiêu thụ phong phú như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Lạt… nhưng nhiều nhất vẫn là các khách hàng quen thuộc ở TP. Mỹ Tho.

Vào tháng 7-2013, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tạp chí Thương hiệu Việt cũng đã trao giải thưởng “Cúp Vàng dấu hiệu chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng vàng của Thương hiệu Việt hội nhập WTO năm 2013” cho sản phẩm hủ tiếu của Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho.

Theo ông Trương Văn Thuận, Tổ trưởng THT sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho vẫn giữ và sống được với nghề. Có lúc số tổ viên của THT bỏ nghề do sản xuất hủ tiếu bị thua lỗ, chỉ còn 7 tổ viên. Nhưng hiện số tổ viên đã trở lại với nghề làm hủ tiếu bằng như trước là 10 tổ viên.

“Với tình hình mai một ở các làng nghề như hiện nay thì việc Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho vẫn giữ vững được số người sống với nghề truyền thống làm hủ tiếu và làm nên món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á là một tín hiệu rất đáng phấn khởi” - ông Thuận cho biết.

Hủ tiếu Mỹ Tho trở thành thương hiệu độc quyền, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, vùng lân cận mà còn vươn xa đến thị trường lớn. Do đó, liên kết các cơ sở sản xuất, mở rộng làng nghề, đảm bảo ổn định số lượng, uy tín về chất lượng được giữ vững đang là vấn đề đặt ra đối với Làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho - một làng nghề đã làm nên món ăn đặc sản hủ tiếu Mỹ Tho đang vươn xa ra châu lục.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.