Những giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh |
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Chú trọng các cơ chế, chính sách về quyền sở hữu tài sản, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, các quy định về phá sản, giải thể, cạnh tranh …. Xây dựng cơ chế vận hành đồng bộ, thông suốt các thị trường hàng hóa, lao động, chứng khoán, bất động sản, khoa học công nghệ và các loại thị trường khác, bảo đảm phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Thêm ưu đãi để huy động nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng
Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Có cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để huy động các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực như là một phương thức phát triển mới, đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, hội nhập quốc tế với lộ trình phù hợp; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường quản lý bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Trong giai đoạn 2014 - 2015 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.
Phấn đấu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6, trong đó một số tiêu chí cụ thể là: Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp; cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (là 171 giờ/năm); rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 50,3 ngày);...
Sắp xếp cán bộ xử lý thủ tục hành chính bảo đảm đúng tiến độ
Nghị quyết cũng đề ra giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính có liên quan đến các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi và báo cáo Chính phủ.
Bên cạnh đó, công khai minh bạch trên Internet về thủ tục hành chính và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Chủ động, bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, có trách nhiệm trong hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính bảo đảm đúng tiến độ theo quy định.
Tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính trong triển khai dự án đầu tư tại các cấp chính quyền địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo từng ngành và trong toàn bộ nền kinh tế. Ưu tiên hàng đầu nhiệm vụ thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, lĩnh vực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm. Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.
Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá theo đề án đã được phê duyệt.
(Theo chinhphu.vn)