Thứ Hai, 03/03/2014, 15:14 (GMT+7)
.

Nước kinh dồi dào, nông dân bớt lo thiếu nước sản xuất

Cống Xuân Hòa lấy nước kéo dài đến cuối tháng 2 đã tạo nên nguồn nước phục vụ sản xuất  tương đối thuận lợi cho vụ đông xuân 2013-2014 ở các huyện phía Đông của tỉnh. Dù vậy, các ngành chức năng vẫn đang theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn và tập trung triển khai công tác phòng, chống để đảm bảo vụ sản xuất này giành thắng lợi.

Ông Trần Văn Hoàng, ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, thị xã Gò Công đang nhổ cỏ cho ruộng lúa 60 ngày tuổi.
Ông Trần Văn Hoàng, ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, thị xã Gò Công đang nhổ cỏ cho ruộng lúa 60 ngày tuổi.

Chưa xảy ra thiếu nước

Chúng tôi về vùng Ngọt hóa Gò Công trong những ngày cuối tháng 2, mực nước trong các kinh trục, kinh cấp 1, thậm chí là kinh cấp 2 và kinh nội đồng vẫn còn khá cao. Không như mùa khô năm 2013, ngay sau Tết Nguyên đán, chính quyền xã Bình Nhì (Gò Công Tây) phải huy động máy bơm từ kinh Tham Thu cấp nguồn cho kinh T4, để từ đó người dân bơm chuyền vào ruộng. Các tuyến kinh dẫn nước từ kinh T4 lúc đó đều đã trơ đáy.

Năm nay, tình hình lại hoàn toàn khác. Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã qua gần 1 tháng nhưng mực nước trong kinh T4 và các kinh nối từ tuyến kinh này vẫn còn khá cao. Người dân cho biết, đến thời điểm này, trong vùng vẫn chưa có diện tích nào phải bơm chuyền.

Anh Nguyễn Thanh Hải, người sống cặp kinh T4 thuộc ấp Bình Hòa Long, xã Bình Nhì cho biết, do khu vực nằm xa kinh Tham Thu, khi mùa khô đến, nước “bỏ” kinh rất sớm, nhiều người phải tổ chức bơm chuyền 2 - 3 cấp để cứu lúa. Nhưng năm nay cho đến thời điểm này, tình trạng ấy vẫn chưa xảy ra.

“Chỉ còn gần 1 tháng nữa là các trà lúa đồng loạt cắt nước hoặc thu hoạch nhưng nước kinh vẫn còn cao. Tình hình này chắc năm nay không phải bơm chuyền rồi” - anh Hải tin tưởng.

Chúng tôi rẽ vào tuyến kinh Năm Mét, nước trong kinh vẫn còn khá nhiều. Anh Ngô Thanh Dũng cùng ấp đang thăm đồng cho biết, hồi đầu vụ nghe đài dự báo năm nay mặn đến sớm nên ai cũng tranh thủ xuống giống sớm. Thuận lợi nữa là cống Xuân Hòa lại lấy nước kéo dài. Nhìn chung, nước phục vụ cho sản xuất năm nay khá thuận lợi.

Đánh giá về tình hình nước sản xuất hiện nay, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhì cho biết, xã có 4 kinh cấp 2 và đến thời điểm này, nước trong các kinh vẫn còn đảm bảo nguồn cung cấp cho lúa. “Với tình hình này, nếu tình huống xấu xảy ra, số diện tích cần bơm chuyền do gieo sạ trễ cũng không đáng kể” - ông Thanh nói.

Chúng tôi đi tiếp về phía Đông, các tuyến kinh vẫn còn nhiều nước. Trên những cánh đồng, nước vẫn ngập ruộng, lúa đang xanh tốt. Ông Trần Văn Hoàng, ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, TX. Gò Công thận trọng cho biết: “Năm nay là một trong ít các năm mà nước sản xuất ở giai đoạn cuối vụ đông xuân thuận lợi như vậy. Dù vậy, những ngày qua chúng tôi vẫn theo dõi sát sự thay đổi của mực nước kinh và diễn biến mặn để tiến hành bơm trữ trước khi xảy ra thiếu nước”.

Chủ động cho những tình huống xấu

Hiện nay, các trà lúa khu vực Ngọt hóa Gò Công đang ở giai đoạn trổ, chín và thu hoạch. Theo quan trắc của cơ quan chức năng, mực nước trong các kinh trục vẫn còn cao, từ 0,5 - 0,7 m. Tình hình này được xem là rất khả quan. Mặt khác, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cửa cống đóng mở chủ động (cống Xuân Hòa) sẽ giúp tăng khả năng cung cấp nguồn nước cho vùng.

Dù vậy, theo dự báo, hạn, mặn vẫn còn diễn biến phức tạp, các địa phương vẫn đang tập trung cao nhất công tác phòng, chống. Cụ thể, huyện Gò Công Tây đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn. Theo đó, huyện thống kê diện tích lúa có khả năng thiếu nước; lên kế hoạch bơm chuyền và sẽ tiến hành khi tình trạng thiếu nước xảy ra.

Mực nước kinh T4 (xã Bình Nhì, Gò Công Tây) vẫn còn cao.
Mực nước kinh T4 (xã Bình Nhì, Gò Công Tây) vẫn còn cao.

Là huyện trọng điểm chịu ảnh hưởng của hạn, mặn vừa qua, UBND huyện Gò Công Đông đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn. Theo đó, các ngành chức năng của huyện thống kê các công trình phục vụ công tác phòng, chống hạn, khả năng dẫn nước, trữ nước của các công trình thủy lợi đảm bảo sản xuất và những công trình cần nạo vét để phục vụ công tác phòng, chống; lên kế hoạch tổ chức bơm chuyền, xác định điểm bơm chuyền, diện tích có khả năng phải bơm chuyền nếu tình hình thiếu nước xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Quí, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, qua đợt kiểm tra chất lượng nước tại các khu vực có khả năng bị rò rỉ mặn như Nghĩa Chí, Vàm Kinh, Rạch Gốc, Tân Thành, Rạch Bùn… do cơ quan chức năng huyện phối hợp với Xí nghiệp Gò Công tiến hành đều cho thấy độ mặn rất thấp, từ 0 - 1,2 g/l (yêu cầu không quá 2 g/l).

Việc kiểm tra chất lượng nước đang được tiếp tục thực hiện. Phòng NN&PTNT huyện cũng đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, thống kê lại số diện tích xa kinh, xuống giống trễ so với lịch khuyến cáo có khả năng thiếu nước vào cuối vụ để lên kế hoạch bơm chuyền, đảm bảo không để thiệt hại lúa đông xuân 2013-2014.

Theo thống kê, vụ đông xuân 2013-2014, huyện Gò Công Đông xuống giống 11.230 ha. Tính đến cuối tháng 2, diện tích đã thu hoạch khoảng 700 ha, chủ yếu ở những vùng sản xuất 2 vụ tại xã Tân Thành, xã Tân Điền; 70% diện tích lúa của huyện đang ở giai đoạn trổ (trong đó, bông chắc từ 2.000-3.000 ha, còn lại mới trổ), sẽ cho thu hoạch vào 15-3; các trà lúa còn lại thu hoạch sau thời điểm trên.

“Năm rồi, cống Xuân Hòa lấy nước không ổn định từ ngày 14-2 và chính thức đóng ngăn mặn từ ngày 23-2. Năm nay đến thời điểm này, nước kinh vẫn còn cao, chưa có diện tích phải tiến hành bơm chuyền. Với tình hình nước thuận lợi như thế này, nhiều khả năng trà lúa đông xuân 2013-2014 sẽ đảm bảo đủ nước. Ngay cả khi tình huống xấu xảy ra thì diện tích lúa bị ảnh hưởng do sạ trễ cũng sẽ không nhiều, khoảng 100 ha” -  ông Quí nói.

Tuy nhiên, theo ông Quí, dù tình hình nước sản xuất đang thuận lợi (đến thời điểm cuối tháng 2) nhưng huyện vẫn không chủ quan. Bởi nếu gió chướng mạnh lên, cống Xuân Hòa đóng, nước kinh sẽ xuống rất nhanh. Khi đó, những diện tích xuống giống trễ có khả năng bị thiếu nước, phải bơm chuyền (dù diện tích không lớn).

Với những diễn biến thời tiết, thủy văn thời gian qua, nông dân vùng Ngọt hóa Gò Công đã có thể tạm yên tâm với tình hình nước sản xuất và có thời gian để dồn sức ứng phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

N.VĂN

.
.
.