Thứ Hai, 24/03/2014, 06:00 (GMT+7)
.

Tân Phú Đông: Cây trồng đang thiếu nước ngọt

Tân Phú Đông luôn thiếu nước ngọt trong mùa khô. Các loại cây trồng trên địa bàn huyện phải “gồng mình” chịu “khát” từ 3-4 tháng trước khi mùa mưa bắt đầu.

Dù các ngành, các cấp khuyến cáo không sản xuất lúa vụ 3 nhưng huyện Tân Phú Đông vẫn có hàng chục ha xuống giống vụ này. Hầu hết các trà lúa đang ở giai đoạn trổ, chín. Hơn 1 tháng qua, các trà lúa vụ 3 bị thiếu nước nghiêm trọng, không ít diện tích bị thiệt hại rất nặng.

Anh Lâm Chí Dũng, ấp Cả Thu 1, xã Phú Thạnh có 6 công ruộng sản xuất lúa vụ 3, đang ở giai đoạn sắp chín. Giai đoạn đầu sau khi xuống giống, lúa phát triển rất tốt. Sau đó, nguồn nước cấp xấu dần do nước kinh nhiễm phèn, mặn tăng cao, trà lúa cũng bắt đầu xuống dần.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, ruộng lúa đã không còn nước nhưng anh Dũng vẫn không thể bơm nước từ kinh lên, bởi nước kinh đang có độ mặn cao, nhiễm phèn nặng, nếu lấy nước lên ruộng lúa sẽ cháy lá, chín rất nhanh.... “ Còn khoảng 10 ngày nữa thu hoạch, ước tính năng suất không quá 10 giạ/công. Tình hình này, tôi chỉ mong huề vốn là mừng lắm rồi”- anh Dũng than vãn.

Theo anh Dũng, trà lúa của anh như thế còn khá hơn nhiều diện tích sạ trễ gần như mất trắng. Theo ước tính của người dân nơi đây, khu vực này có trên 20 ha sản xuất lúa vụ 3 và tất cả đang bị thiếu nước rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất, nhiều diện tích bị thiệt hại hoàn toàn.

Vườn mãng cầu xiêm đang chống chọi với tình trạng thiếu nước.
Vườn mãng cầu xiêm đang chống chọi với tình trạng thiếu nước.

Dù không bị ảnh hưởng nặng như cây lúa nhưng các loại cây như nhãn, dừa, mãng cầu xiêm trong vùng đang từng ngày “gồng mình” chống chọi với khô hạn. Tại vùng trồng nhãn chuyên canh thuộc ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, các mương vườn đã khô trơ đáy từ lâu. Trên vườn, cây còi cọc, lá chuyển sang màu vàng.

Anh Lê Hoàng Anh, ấp Bà Lắm cho biết, cứ đến mùa khô là các vườn nhãn của anh cũng như các vườn nhãn khác ở trong vùng phải chịu khô hạn từ 3-4 tháng cho đến khi mưa trở lại. Mặt khác, do không có nước tưới, nhà vườn không thể bón phân, cây xuống sức rất nhanh. “Năm nào cũng vậy, đến mùa khô là cây héo, vàng lá rất nhiều. Nhãn là cây cho trái quanh năm, năng suất rất cao.

Song, do thiếu nước mùa khô, cây nhãn ở vùng này chỉ cho trái một vụ, năng suất cũng không cao như những nơi khác. Trồng mấy chục năm rồi, đốn thì thấy tiếc nên giữ lại chứ thu nhập từ nhãn chẳng được bao nhiêu”- anh Hoàng Anh tâm sự. Cây dừa vốn chịu hạn rất tốt, gắn bó lâu năm với vùng đất này nhưng với tình hình khô hạn, cộng với nắng nóng diễn ra trong thời gian dài đã ảnh hưởng không ít đến sự tăng trưởng của cây. Cụ thể, sức chống chịu của cây suy giảm; lượng bông, trái trong mùa khô giảm mạnh.

Đặc biệt vào thời điểm này, nếu dừa bị bọ cánh cứng tấn công rất dễ làm cho cây suy kiệt và rất khó phục hồi. Riêng đối với khu vực có đê bao, những năm gần đây các vườn dừa có dấu hiệu suy kiệt qua biểu hiện ít trái, lá xơ xác, ít tàu lá, thậm chí nhiều cây suy kiệt đến chết. Nguyên nhân chủ yếu theo nhiều người dân là do các cống đóng ngăn mặn sớm, khô hạn kéo dài từ 5-6 tháng làm cho cây suy dần qua từng năm dẫn đến không phục hồi được.

Những năm gần đây, nông dân Tân Phú Đông đưa về cù lao một loại cây trồng chịu hạn rất tốt - đó là cây sả. Dù vậy, cây trồng này vẫn chịu tác động ít nhiều đến năng suất khi mùa khô đến. Người dân ở xã Phú Thạnh, xã Phú Đông (2 xã có diện tích trồng sã lớn nhất huyện) cho biết, hàng năm vào mùa khô, bụi sả lớn rất chậm. Nếu gặp nắng nóng hay độ chênh lệch ngày và đêm cao có thể làm cho sả cháy lá, giảm năng suất mạnh. Cụ thể ở mùa khô này, một số diện tích sả đã xuất hiện cháy lá, thất mùa do nắng nóng và thiếu nước.

Ông Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, trong mùa khô này, xã có 25 ha sản xuất lúa vụ 3, đang ở giai đoạn trổ, chín gặp nhiều khó khăn do thiếu nước. Khảo sát cho thấy, đến nay, có 10 ha lúa bị thiệt hại trắng, 15 ha còn lại không có nước trong thời gian dài do nước kinh nhiễm phèn, mặn cao, không thể lấy vào ruộng được. Tất cả diện tích này do người dân sản xuất tự phát, không theo khuyến cáo.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có 200 ha dừa, 300 ha sả, 110 ha nhãn. Số diện tích dừa đã và đang bị tác động nhất định về năng suất, nguy cơ bọ cánh cứng tấn công làm cây suy giảm sức chống chịu rất lớn. Các diện tích sả đang có biểu hiện chậm phát triển, một số diện tích xuất hiện cháy lá do nhiệt độ ban ngày cao, nóng bức.

Cây nhãn trong nhiều tháng rồi cũng không có nước tưới, dẫn đến xác xơ. “Qua kiểm tra một số tuyến kinh vừa qua, lượng nước kinh thấp hơn năm rồi, độ mặn từ 5-6 g/l, nhiễm phèn nặng. Nước này mà tưới cho cây trồng, cây bị thiệt hại còn nặng hơn”- ông Phú nói.

Vườn nhãn của anh Lê Hoàng Anh (ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh) bị khô hạn mấy tháng qua và tình hình này còn tiếp tục cho đến hết mùa khô.
Vườn nhãn của anh Lê Hoàng Anh (ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh) bị khô hạn mấy tháng qua và tình hình này còn tiếp tục cho đến hết mùa khô.

Còn tại xã Phú Đông, ông Võ Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã có các cây trồng chủ yếu như lúa, sả, dừa. Đối với cây lúa, mùa này xã khuyến cáo không sản xuất nhưng đã có trên 2 ha xuống giống. Sau khi phát hiện, xã đã vận động nông dân tiêu hủy. Còn cây sả, cây dừa, đây là những cây chịu hạn rất tốt. Dù vậy, thời gian qua, các cây trồng này đang có dấu hiệu chậm phát triển do thiếu nước.

Ngược về các xã phía Tây của huyện, nơi mà cây mãng cầu xiêm được trồng nhiều nhất trong huyện, dù nông dân có giải pháp ứng phó với mùa khô khắc nghiệt cũng như xâm nhập mặn ở cù lao từ xa bằng việc ghép gốc bình bát để tăng sức chống chịu, hạn chế thiệt hại cho cây mãng cầu xiêm nhưng ảnh hưởng từ hạn, mặn đối với cây trồng này cũng không ngoại lệ. Biểu hiện rõ nét nhất là cây chựng lại không phát triển, giảm năng suất trong mấy tháng mùa khô.

Ông Võ Văn Tất, người trồng mãng cầu xiêm lâu năm ở ấp Tân Ninh, xã Tân Phú, cho biết, do thiếu nước ngọt, cộng với nắng nóng, cây bị suy và giảm năng suất cho trái. “Để giảm ảnh hưởng do khô hạn đối với cây mãng cầu xiêm, ngay từ trước Tết Nguyên đán, nông dân chủ động giảm lượng trái trên cây; bồi liếp duy trì độ ẩm trong vườn”- ông Tất nói.

Đối với vùng đê bao, nông dân đào mương sâu để tích trữ nước kéo dài thời gian cung cấp nước tưới cho cây. Song, lượng nước tích trữ cũng không đáp ứng được nhiều so với nhu cầu của cây trồng. Còn đối với vườn nằm ngoài đê bao bị nước mặn xâm nhập, nông dân không còn cách nào ngoài việc phải chấp nhận cho cây “sống chung với mặn”.

Trên vùng đất khó, mỗi khi mùa khô đến là cây mãng cầu xiêm nói riêng và cây trồng nói chung lại phải chống chọi với hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt để tiếp tục tồn tại, bám trụ trên dãy đất cù lao. Tất nhiên, tình chậm phát triển, cho trái nhỏ, trái ít của cây trồng là khó tránh khỏi.

N.VĂN

.
.
.