Thứ Bảy, 15/03/2014, 15:43 (GMT+7)
.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo

Sáng 15-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp vào TP. Cần Thơ dự và chỉ đạo Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL cùng tham dự hội nghị quan trọng này.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích gieo sạ vụ lúa đông xuân 2013- 2014 đạt khoảng 1,605 triệu ha, tăng hơn 3.200 ha so với vụ đông xuân 2012 - 2013. Năng suất bình quân ước đạt 6,83 tấn/ha, tăng 0,01 tấn/ha. Có thể khẳng định, đây là vụ đông xuân được mùa lớn.
 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát báo cáo về tình hình sản xuất lúa gạo vụ đông xuân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát báo cáo về tình hình sản xuất lúa gạo vụ đông xuân.

Trong tháng 1 và tháng 2-2014, việc tiêu thụ lúa thuận lợi, giá có lợi cho nông dân. Tuy nhiên từ đầu tháng 3 đến nay giá lúa giảm mạnh (tới 400-500 đồng/kg), dao động ở mức 4.400 - 5.000 đồng/kg lúa thường và khoảng 4.500 - 5.300 đồng/kg lúa chất lượng cao; lúa IR50404 tươi có giá dao động chỉ từ 4.000 - 4.100 đồng/kg.

Thêm vào đó, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới thấp và Thái Lan hiện đang chào bán gạo ra thị trường thế giới.

Giải pháp nào cho việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại vùng ĐSBCL- vựa lúa lớn nhất của cả nước? Đây luôn là câu hỏi lớn đang được các ngành chức năng và người dân đặc biệt quan tâm khi niềm vui trúng mùa chưa được lâu bà con nông dân tại ĐBSCL lại đang đứng trước cảnh giá thu mua lúa xuống thấp.

Với sự quan tâm trực tiếp, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương; với những nội dung cụ thể theo chương trình được thảo luận, Hội nghị sẽ đề ra những giải pháp căn cơ cả về trước mắt và lâu dài cho hạt gạo vùng ĐBSCL.

Trong phần phát biểu tại hội nghị sáng 15-3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài.

Theo đó, trước mắt, thực hiện tốt chính sách mua tạm trữ gạo, tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách tín dụng để tăng tín dụng cho nông dân đầu tư sản xuất.

Về lâu dài, các địa phương sẽ rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, quy hoạch vùng nuôi thủy sản, đẩy mạnh chương trình đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống lúa cũ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Dành 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi thu mua tạm trữ gạo

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết dành khoảng 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo; áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7% cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Cũng tại Hội nghị, ý kiến của lãnh đạo nhiều bộ, ngành tập trung phân tích các yếu tố khách quan và chủ quan cũng như khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, nhất là thị trường gạo thế giới đang diễn biến khó lường trước thông tin Thái Lan có chủ trương giải phóng lượng gạo tồn kho lên tới 20 triệu tấn, đồng thời đề xuất các biện pháp trước mắt cũng như lâu dài liên quan đến hỗ trợ tín dụng trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Nhiều ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nêu vấn đề việc mua tạm trữ để ổn định thị trường, giúp người nông dân có mức lãi hợp lý là cần thiết. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án mua tạm trữ 1 triệu tấn lương thực.

Để chương trình đạt hiệu quả cao, NHNN đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam rà soát và lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và hệ thống kho chứa để thực hiện mua tạm trữ.

Tránh đưa thông tin bất lợi về xuất khẩu gạo

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nêu nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL, trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung; giải pháp đối với một số thị trường cụ thể như Trung Quốc, Philippines, Mexico; việc tổ chức thực hiện Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và xây dựng lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường theo dõi tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều phối ứng phó linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; kịp thời báo cáo, kiến nghị rõ các biện pháp cần thiết triển khai trong công tác điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo để thúc đẩy xuất khẩu, giữ thị trường, nâng cao uy tín của Hiệp hội và thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, kịp thời thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo; đặc biệt cần hết sức tránh việc đưa các thông tin bất lợi, vì điều này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo của nước ta có thể bị ép giá, dẫn đến thua thiệt.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.