Thứ Sáu, 14/03/2014, 16:39 (GMT+7)
.

Viện Cây ăn quả miền Nam & Tiền Giang hợp tác để cùng phát triển

Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” trái cây. Lợi thế này của tỉnh càng có điều kiện phát triển khi có Viện Cây ăn quả miền Nam đứng chân trên địa bàn. Từ khi thành lập, việc hợp tác giữa Viện và các cơ quan chức năng của tỉnh luôn được quan tâm, gắn bó chặt chẽ, góp phần củng cố, nâng vị thế “vương quốc” trái cây của địa phương.

Nói về mối quan hệ, hợp tác giữa Viện Cây ăn quả miền Nam với địa bàn nơi đứng chân - Tiền Giang, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhấn mạnh, ưu tiên số 1 của Viện là thực hiện các nhiệm vụ, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, sau đó là quan hệ, hợp tác với Tiền Giang.

Mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác sản xuất rau Thuận Hòa ( xã Long Thuận, TX. Gò Công) do Sở NN&PTNT và Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện.
Mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác sản xuất rau Thuận Hòa ( xã Long Thuận, TX. Gò Công) do Sở NN&PTNT và Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện.

Hiện thực hóa mối quan hệ này, từ khi thành lập đến nay, Viện rất quan tâm hợp tác với tỉnh trên nhiều lĩnh vực, từ tập huấn, hướng dẫn đến thực hiện mô hình, dự án, đề tài ở lĩnh vực rau, hoa, quả bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Đặc biệt, từ năm 2006 - 2013, Viện tham gia, thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, hướng dẫn, xây dựng mô hình, thử nghiệm… góp phần thúc đẩy phát triển cây ăn quả, rau, hoa của tỉnh. Cụ thể, Viện triển khai thực hiện 2 chương trình hỗ trợ phát triển cây khóm ở huyện Tân Phước và cây sơ ri vùng Gò Công.

Thực hiện 2 chương trình này, có 15 đề tài nghiên cứu, ứng dụng, chứng nhận GAP, chọn tạo giống cây trồng các loại và  đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, cán bộ nông nghiệp của tỉnh với khá nhiều mô hình thí nghiệm, mô hình sản xuất trên các chủng loại cây ăn quả, hoa, rau.

Nhiều lớp tập huấn về GAP, quản lý vườn ươm, nhân giống vô tính… trên các loại cây trồng trên cũng được tiến hành. Kết quả, mô hình sản xuất khóm ở  xã Tân Lập, sơ ri và rau ở Gò Công đã đạt tiêu chuẩn GAP; rồi xúc tiến mở rộng diện tích của dự án VietGAP trên chôm chôm, nhãn ở Cai Lậy.

Quy trình bón phân trên cây khóm; quy trình canh tác cây khóm, sơ ri, các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP; quy trình chăm sóc vú sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP; các quy trình quản lý về tình trạng héo khô đầu lá khóm do rệp sáp, ruồi đục quả, phòng trừ bệnh khô cành, chết nhánh trên cây vú sữa, bệnh thối rễ trên cây mãng cầu xiêm được nghiên cứu và xác lập thông qua hợp tác giữa Viện với Sở Khoa học và Công nghệ.

Đối với công tác giống, Viện đã tiến hành tuyển chọn, khảo nghiệm và nhân giống sơ ri tốt; công nhận 2 dòng giống cây đầu dòng bưởi lông Cổ Cò, 4 dòng khóm Queen, cam mật không hạt; đồng thời, công nhận được một số giống rau từ tỉnh như khổ qua, dưa leo.

Thông qua các đề tài, dự án hợp tác quốc tế của Viện, nhiều mô hình được chọn triển khai, ứng dụng ở Tiền Giang. Trong khuôn khổ Dự án ACIAR (Úc), mô hình trồng ổi xen vườn cây có múi để xua đuổi rầy chổng cánh, chống tái nhiễm bệnh vàng lá Greening trên cây có múi được thử nghiệm tại huyện Cái Bè; sử dụng dầu khoáng SK Enpray, thuốc trừ sâu lưu dẫn trên vườn cây có múi để trừ rầy chổng cánh; dùng SOFRI - Protein để phòng trừ ruồi đục quả trên sơri, thanh long, xoài, sapô, khổ qua...

Dự án CARD (Úc) có mô hình sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Quơn Long ( huyện Chợ Gạo); viết cẩm nang sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Dự án JIRCAS có mô hình trồng cam xen ổi ở xã Mỹ Lợi A, xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè) và xã Mỹ Tịnh An ( huyện Chợ Gạo).

Còn Dự án JICA, mô hình trồng cam xen ổi theo kỹ thuật mới (26 hộ nông dân tham gia với diện tích 19,3 ha) được tiến hành tại các xã của huyện Cái Bè; thiết lập bệnh viện cây trồng. Qua Dự án CABI (Anh), Viện xúc tiến xây dựng và đưa vào hoạt động 5 bệnh xá cây trồng ở huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành và huyện Cái Bè (cách 2 tuần, Viện phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh tổ chức 1 lần đến điều trị, tư vấn cho nông dân); tổ chức 2 buổi Ngày hội cây trồng tại huyện Chợ Gạo về bệnh đốm trắng trên cây thanh long; tập huấn “bác sĩ” cây trồng cho các cán bộ nông nghiệp của tỉnh.

Ngoài ra, Viện đang thực hiện dự án với New Zealand về xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hợp tác với nhà đóng gói, xuất khẩu Long Nguyên xuất khẩu tươi thanh Long ở xã Quơn Long.

Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp với Hội Làm vườn Tiền Giang tổ chức Hội thi Cây vú sữa giống tốt. Ảnh tư liệu
Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp với Hội Làm vườn Tiền Giang tổ chức Hội thi Cây vú sữa giống tốt. Ảnh tư liệu

Không dừng lại ở đó, từ các đề tài cấp bộ, Nhà nước, Viện cũng rất ưu tiên thực hiện trên địa bàn nơi đứng chân. Trong đó, có những đề tài đáng chú ý là chọn tạo giống đặc sản và xây dựng mô hình GAP trên cây ăn quả; xây dựng mô hình VietGAP trên cây chôm chôm, nhãn; nghiên cứu bệnh thối rễ trên cây ăn quả; nghiên cứu cà chua, ớt, đậu bắp, khổ qua...

Đó là chưa nói đến từ Chương trình Khuyến nông Quốc gia (năm 2008), Viện thực hiện mô hình 15 ha trồng bưởi da xanh xen ổi ở Mỹ Lợi A (Cái Bè), 5 ha chuối già cui chuyên canh xuất khẩu ở Long Hưng (Châu Thành).

Viện còn thực hiện nhiều mô hình, dự án, đề tài khác như mô hình GAP trên  khóm, thanh long, vú sữa Lò Rèn (mỗi mô hình 2 ha); mô hình IPM trên xoài cát Hòa Lộc ( Hòa Hưng, huyện Cái Bè) và khóm ( xã Tân Lập, huyện Tân Phước); 5.000 m2 cam sành xen ổi, 4.000 m2 cam sành xen ổi và IPM ở Mỹ Lợi A; 5 ha cam sành xen ổi và bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Lương (Cái Bè); thí nghiệm diện rộng bằng SOFRI - Trừ kiến để ngăn ngừa bệnh héo khô đầu lá khóm do rệp sáp ở  huyện Tân Phước (2.000 m2). 

Tại Viện thì có mô hình 1,5 ha canh tác chuối già cui (cây giống sạch bệnh) nuôi cấy mô;  0,4 ha trồng giống ớt cay Long Định ở  xã Bình Đức ( huyện Châu Thành).

Những năm qua, Viện đã nghiên cứu thành công một số chế phẩm ứng dụng như SOFRI - Protein (dẫn dụ và tiêu diệt ruồi đục quả trên cây ăn quả và rau màu), SOFRI - Trừ kiến (thu hút và trừ kiến gây hại cây ăn quả); bộ kít vàng lá Greening (dùng giám định nhanh bệnh vàng lá Greening trên cây có múi); SOFRI - Trichoderma (dùng ủ hoai phân hữu cơ phòng trừ các nấm gây hại rễ). Các sản phẩm trên đã được áp dụng trên vùng cây ăn trái của tỉnh đã phát huy hiệu quả khá cao.

Với chức năng nghiên cứu, tư vấn…về cây ăn quả, thời gian qua, Viện tổ chức, tham gia tập huấn về sản xuất cây ăn quả theo GAP, quản lý vườn ươm, nhân giống vô tính cây ăn quả cho rất nhiều nông dân, cán bộ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên, cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, kỹ thuật viên trong tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực Nam bộ. Viện còn đào tạo thanh tra viên nội bộ, đánh giá viên nội bộ trong chương trình sản xuất theo GAP.

Ngoài ra, Viện tham gia tọa đàm và giao lưu với nông dân về chăm sóc vườn cây sau thu hoạch; bệnh đốm trắng trên thanh long; kỹ thuật sử dụng phân bón cho cây trồng; nâng cao vị thế của trái cây ĐBSCL; chăm sóc vườn cây ăn quả trong mùa mưa lũ; bệnh chổi rồng hại nhãn… trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ghi nhận sự hợp tác trên, phát biểu trong buổi thăm và làm việc với Viện vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc đánh giá cao sự đóng góp của Viện đối với ngành Nông nghiệp của tỉnh và mong rằng mối quan hệ, hợp tác này tiếp tục  được củng cố, đẩy mạnh. Trong đó, theo Sở NN&PTNT, trước mắt, tỉnh cần Viện hỗ trợ trong việc xúc tiến Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Về phía Viện cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục thắt chặt mối quan hệ, hợp tác với tỉnh về các lĩnh vực mà 2 bên đã tiến hành trong những năm qua.

N.VĂN

.
.
.