500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam
Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam kết hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng Fast500-500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012.
Những doanh nghiệp có tên trong BXH Fast500 là những doanh nghiệp tăng trưởng năng động của nền kinh tế, được kỳ vọng góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và sẽ là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm với nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong tương lai.
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng; Giáo sư Michael Dukakis - Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, cựu Thống đốc bang Massachusetts, và hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston; các đại sứ, tham tán tại Việt Nam của nhiều quốc gia, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước và gần 500 đại diện tiêu biểu của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tại Việt Nam.
Phát biểu chúc mừng các doanh nghiệp Fast500, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Chia sẻ cùng đại diện các doanh nghiệp tăng trưởng, ông Bùi Sĩ Hoa, Tổng biên tập báo Vietnamnet, đại diện Ban tổ chức hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp Fast500 sẽ tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh và đầu tư, khẳng định khả năng cạnh tranh và vươn ra thế giới, để tăng trưởng nhanh được gắn với tăng trưởng bền vững.
Tại sự kiện nay, Giáo sư Michael Dukakis, chia sẻ những nhận định của ông về triển vọng kinh tế - chính trị của thế giới trong thời gian sắp tới. Ông cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích dựa trên những kinh nghiệm lãnh đạo thành công của mình. Cụ thể, các nhà lãnh đạo cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và cẩn trọng để đưa ra những chiến lược hợp lý cho đất nước. Trong quá trình thực hiện chiến lược đó, các nhà lãnh đạo cần kêu gọi sự hỗ trợ đắc lực từ khối doanh nghiệp và người lao động.
Theo GS Michael Dukakis, mỗi quyết định được đưa ra cần được xem xét để phục vụ cho sự phục hồi của nền kinh tế. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không chỉ là hạ tầng "cứng" mà còn là đầu tư vào hệ thống giáo dục. Đây là hai trụ cột quan trọng quyết định sự thành công của nền kinh tế.
Buổi lễ cũng là cơ hội để lãnh đạo các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm trong quản trị, hướng tới mục tiêu chung về tăng trưởng trong suốt giai đoạn 5 năm vừa qua, đồng thời qua đó tiếp thêm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp cần phấn đấu hơn nữa để vượt bão khó khăn và nhanh chóng định vị thương hiệu của mình
Cùng bàn về chiến lược tăng trưởng, các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, tăng trưởng đến từ 3 yếu tố căn bản là cải tiến sản phẩm, tập trung tiếp thị đến khách hàng và đưa ra giải pháp cho những vấn đề tiêu dùng. Ngoài ra, còn có cách thức tăng trưởng khác là thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Bảng xếp hạng FAST500 là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và độc lập. BXH là sự ghi nhận cũng như đánh giá khách quan thành quả kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 4 năm liên tiếp. Được xây dựng dựa trên phương pháp luận của nhiều BXH trên thế giới như của tạp chí Fortune (Mỹ), INC (Mỹ), hãng Deloitte..., BXH FAST500 đánh giá thứ hạng của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí chủ yếu là tăng trưởng bình quân kép về doanh thu, đồng thời có xem xét các tiêu chí khác như: lợi nhuận, lao động và tài sản để so sánh quy mô và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, trên bước đường tăng trưởng, chuyện các công ty từng có thương hiệu luôn được nhắc đến với sự ngưỡng mộ, từng được coi như biểu tượng của sự thành công, được đánh giá là có doanh thu lớn nhất hay có mức tăng trưởng nhanh nhất, sau đó lại rơi vào trình trạng khó khăn là chuyện không hiếm.
Thất bại, nếu nhìn trên góc độ tích cực, sẽ là những bài học quý giá cho chính doanh nghiệp, góp phần tạo nên sự thành công trong tương lai. Đồng thời một doanh nghiệp cũng có thể có được những bài học kinh nghiệm quý báu từ những thất bại của các doanh nghiệp khác.
Theo thống kê về Bảng xếp hạng FAST500 năm 2012, bình quân của 500 đại diện tăng trưởng doanh thu nhanh nhất giai đoạn 2008-2011 đạt 62,2%, cao hơn chỉ số tương tự được ghi nhận trong giai đoạn 2006-2009 (54%) và 2007-2010 (57%).
Tuy nhiên, chỉ khoảng 26% số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng gấp đôi có mức gia tăng lợi nhuận tương ứng trong cùng giai đoạn. Như vậy, trong quá trình sau khi Việt Nam gia nhập WTO, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh về quy mô, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa tăng trưởng tương xứng.
Bên cạnh đó, các nhà quản trị ngày càng thừa nhận những đặc tính tốt của sản phẩm còn quan trọng hơn cả thị phần. Việc "chú trọng vào lợi nhuận" chứ không chỉ tập trung vào gia tăng thị phần của doanh nghiệp đã mang lại những dấu hiệu phục hồi ấn tượng.
Nhiều công ty dẫn đầu thị phần cũng đang xem xét lại những nhân tố làm nền tảng cho mô hình kinh doanh hiện tại của mình. Trong khi đó, đa số các công ty Việt Nam vẫn còn đang tư duy quản trị theo kiểu cũ, tư duy của thị phần mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị gia tăng và sự nỗ lực tạo ra giá trị cho mình để đạt giá trị gia tăng cao và qua đó tăng giá trị công ty.
(Theo vov.vn)