Đóng góp ý kiến điều chỉnh quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020
Ngày 10-4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến dự, có ông Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, huyện, thành, thị.
Quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở hệ thống các quan điểm chủ đạo: Phát triển KT-XH của tỉnh phải đặt trong mối quan hệ hữu cơ với định hướng phát triển chung của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: M.T |
Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2020 của Tiền Giang là phấn đấu xây dựng Tiền Giang đạt trình độ phát triển CNH-HĐH, đạt mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước từ 2-3 năm so với mức trung bình của cả nước; trở thành một trọng điểm phát triển kinh tế, một đầu mối phát triển dịch vụ, du lịch, vận tải vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao; có nền quốc phòng an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; là một trong những tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL.
Định hướng tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu tổng quát xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh là Tiền Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp với cơ cấu kinh tế hiện đại, là chùm đô thị lớn (gồm 3 vùng: Vùng trung tâm đô thị TP. Mỹ Tho, vùng phía Tây và vùng phía Đông) với kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ, môi trường bền vững; có hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và thể dục - thể thao ở mức trung bình cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế hiện đại là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; xã hội phát triển hài hòa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xoay quanh phương hướng phát triển KT-XH của tỉnh từ nay đến năm 2020 và định hướng tầm nhìn đến năm 2030 như: Bổ sung phát triển các ngành nghề vào phương hướng phát triển công nghiệp; phát triển du lịch; xây dựng đô thị; các chính sách an sinh xã hội…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh: UBND tỉnh đã xác định việc quy hoạch được điều chỉnh lần này là căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020 và xây dựng các kế hoạch tổng thể phát triển KT-XH của các huyện, (thành, thị), quy hoạch ngành, các lĩnh vực xã hội. Đây cũng là bộ tài liệu nhằm cung cấp thông tin cho các tổ chức kinh tế, đầu tư trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng của tỉnh nhà…
Đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm tỉnh ta nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực ĐBSCL, cần xác định tiêu chí phát triển gắn với tiêu chí của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dựa trên cơ sở khai thác lợi thế của khu vực ĐBSCL. Cần có giải pháp thể hiện rõ vai trò của tỉnh ta là đầu mối giao thông, giao thương, có thể khai thác thêm lợi thế giao thông đường thủy, đường bộ (với đường cao tốc); tiếp tục tập trung hoàn chỉnh các nội dung phát triển Khu kinh tế Gò Công, chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, để tiếp tục phát triển quy hoạch, các nơi cần đánh giá lại tình hình phát triển KT-XH thời gian qua; rà soát lại các mục tiêu, lĩnh vực, xem nguyên nhân vì sao không đạt các chỉ tiêu, từ đó xác định hướng điều chỉnh phù hợp. Đánh giá cho được Tiền Giang đang ở vị trí nào trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế khu vực ĐBSCL; quy hoạch tổng thể phải phù hợp với quy hoạch ngành, vùng và quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ…
MINH CHÂU