Du lịch Tiền Giang: Cần tạo sự khác biệt để thu hút du khách
Những nét đặc trưng của Tiền Giang từng tạo được thế “thượng phong” trong cuộc cạnh tranh so với các tỉnh ĐBSCL thì nay đã không còn, bởi những “bài bản” này đã được các tỉnh lân cận vận dụng và trở thành đối trọng cạnh tranh lợi hại của du lịch tỉnh nhà. Cụ thể như các tour du lịch đò chèo trên sông rạch, tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử giờ đây không còn là sản phẩm độc quyền của du lịch Tiền Giang.
TẠO “NÉT RIÊNG” TỪ ĐÂU?
Tiền giang có 3 vùng sinh thái mang nét đặc trưng mà không phải tỉnh nào cũng có được: Thứ nhất vùng nước ngọt là vùng trái cây trên các cù lao và khu dân cư nằm dọc sông Tiền với những vườn trái cây bốn mùa xanh tốt, cùng hệ thống kinh rạch chằng chịt, sông nước mênh mông; đây là những địa điểm du lịch xanh lý tưởng mà chúng ta đã và đang khai thác trong thời gian qua như: cù lao Thới Sơn, chợ nổi Cái Bè…
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch xanh mang phong cách “văn minh miệt vườn” của ta hiện vẫn chưa có điểm nhấn tạo ra thế mạnh rõ rệt. Cụ thể như Khu du lịch Thới Sơn, bắt đầu hình thành năm 1988 với 0,7 ha thì đến nay, hơn 20 năm vẫn còn nguyên nét “hoang sơ” của những năm 1980.
Hiện tại, diện tích quy hoạch căn cơ cho du lịch vẫn chưa tăng thêm là bao, chủ yếu vẫn là những điểm du lịch tự phát của người dân theo cách gọi xã hội hóa; vì thế các tuyến, điểm du lịch tại Thới Sơn đang đi theo lối mòn, chưa thật sự hấp dẫn, mời gọi du khách đến lần thứ hai.
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười. Ảnh: Đức Lập |
Kế đến là vùng ngập mặn ven biển, từ lâu đã hình thành với khu du lịch biển Tân Thành - hàng dương phục vụ cho du khách có nhu cầu về biển. Tuy nhiên, các dự án đầu tư bài bản cho tuyến du lịch này để khai thác hết tiềm năng vốn có về vùng biển hoang sơ phía Đông của tỉnh, vì nhiều lý do đến nay vẫn còn tiến triển chậm, làm cho thế mạnh của tỉnh là có được tuyến du lịch sinh thái liên hoàn “sông nước - biển khơi - di tích lịch sử” vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Hy vọng khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành sẽ là “cú hích” cho những dự án du lịch tại đây sớm triển khai và phát huy hiệu quả.
Thứ ba là vùng rừng ngập phèn Đồng Tháp Mười (ĐTM), đây là những cánh đồng mênh mông với hệ sinh thái ngập phèn độc đáo ở nước ta, rất thích hợp cho nghiên cứu khoa học và tham quan nghỉ dưỡng; thực hiện tour tham quan ĐTM mùa nước nổi với những sinh hoạt dân dã của người dân vùng sông nước Nam bộ như giăng lưới, thả câu, săn bắt chuột, rắn, hoặc một tour cắm trại trên vùng đất hoang sơ, thưởng thức cảnh hoang vắng về đêm với những âm thanh rất đặc trưng của vùng rừng tràm ĐTM… chắc chắn sẽ tạo được nét rất riêng trong các sản phẩm du lịch, mà không phải tỉnh nào trong khu vực cũng có được. Muốn biết về ĐTM chỉ cần đến Tiền Giang, tại sao không?
Khu du lịch sinh thái ĐTM tại huyện Tân Phước đã hình thành, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác hiệu quả. Hiện sở VH-TT-DL đang tiếp tục mời gọi đầu tư để phát triển Khu du lịch sinh thái ĐTM, mở rộng diện tích rừng tràm xung quanh khu di tích từ 100 - 150 ha trong giai đoạn từ nay đến năm 2015; kết hợp với thiền viện Trúc Lâm chánh giác, hy vọng tạo sản phẩm “du lịch sinh thái - lễ hội tâm linh” góp phần thu hút du khách.
Như thế, với 3 vùng sinh thái riêng biệt, một món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tiền Giang, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác, tận dụng hết nhằm tạo ra những điểm nhấn cho riêng mình với những sản phẩm “không đụng hàng” trên thị trường du lịch nhiều cạnh tranh.
NGUYÊN NHÂN VÌ SAO?
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL Tiền Giang, các dự án hạ tầng phát triển các khu, điểm du lịch triển khai còn chậm và quy mô còn nhỏ; các tuyến điểm và các dịch vụ chưa thật phong phú, có nơi thì quá tải, có nơi lại vắng khách. Chưa phát huy năng lực và điều kiện tổ chức tour du lịch dài ngày trong tỉnh, nên hiệu quả kinh tế chưa cao, mức độ khai thác phát triển du lịch văn hóa - lịch sử vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt.
Ngoài ra, tại các khu, điểm tham quan du lịch còn xảy ra nạn “cò mồi” tranh giành khách của xe ôm, đò máy; vệ sinh tại các điểm du lịch kém làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Đây cũng là những nguyên nhân làm cho các sản phẩm du lịch Tiền Giang chưa thật sự hấp dẫn.
Lý giải nguyên nhân của vấn đề trên, Sở VH-TT&DL Tiền Giang cho rằng, do công tác quản lý Nhà nước về du lịch còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, nên có nhiều hoạt động dịch vụ tự phát làm phá vỡ cảnh quan, môi trường du lịch, không phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Trong khi các dự án trong quy hoạch phát triển du lịch của Tiền Giang không có quỹ đất công mà chủ yếu là đất của dân; vì thế gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận đền bù, giải tỏa.
Việc huy động vốn, kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực du lịch chưa tốt. Sự phối hợp giữa các ban, ngành và địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, nên chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phát triển du lịch. Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở Tiền Giang có quy mô vừa và nhỏ.
Toàn tỉnh có 41 đơn vị kinh doanh lữ hành nhưng chỉ có 2 đơn vị: Công ty CP Du lịch Tiền Giang và Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Cái Bè là có đầu tư các dự án để phát triển các sản phẩm du lịch, các đơn vị còn lại chủ yếu chỉ liên kết với các nhà vườn, điểm du lịch để đưa khách đến tham quan, nên chưa góp phần đầu tư thêm các sản phẩm du lịch tạo dấu ấn riêng.
Có thể thấy bức tranh du lịch Tiền Giang hiện vẫn còn dang dở và để hoàn thiện nó, cần có thời gian gia công với nhiều “nét cọ” mang tính đột phá. Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 đã được thông qua với định hướng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và có tính chất đa ngành và xã hội hóa cao, cùng chương trình mục tiêu phát triển du lịch đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ban, ngành trong tỉnh, hy vọng tất cả sẽ hợp thành động lực đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.
DUY SƠN