Mở rộng diện tích cây ăn quả đạt chuẩn tại Nam Bộ
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quy hoạch từ nay đến năm 2020 trồng 257.000ha cây ăn quả tại Nam Bộ đạt chuẩn an toàn thực phẩm, theo đó có 50% sản phẩm đạt chuẩn GAP.
Đợt quy hoạch này góp phần nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả Nam Bộ lên 672.800ha và phấn đấu năng suất bình quân tăng 20-25 % so với năm 2012; giá trị đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.
Theo quy hoạch, 12 chủng loại trái cây sẽ trồng gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu , quýt. Trong đó, trồng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long 185.100ha, vùng Đông Nam Bộ 71.900ha.
Chăm sóc vườn Thanh Long tại huyện Chợ Gạo. Ảnh: Như Lam |
Năm loại cây ăn quả trồng theo hướng rải vụ với diện tích 48.530ha nhằm tránh tình trạng rớt giá, gồm thanh long trồng tại Bình Thuận, Tiền Giang, Long An (14.880ha ); xoài trồng tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh (12.500ha); chôm chôm trồng tại Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang (2.750ha); sầu riêng trồng tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long (5.250ha); nhãn tại tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ.
Để bảo đảm thực hiện chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan khoa học thuộc Bộ thực hiện công tác chọn, cung ứng giống mới có năng suất, chất lượng cao cho nông dân; chuyển giao cho nông dân các quy trình canh tác tiên tiến như quy trình xử lý ra hoa trái vụ, quản lý dịch hại, công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân nhằm tạo ra khối lượng trái cây hàng hóa lớn, chất lượng cao, đồng đều, ổn định, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp cũng như khách hàng trong và ngoài nước.
Bộ cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức chương trình xúc tiến thương mại đối với trái cây xuất khẩu, ký kết các hiệp định kiểm dịch thực vật đối với các nước có khả năng nhập khẩu trái cây Việt Nam, thực hiện các nghĩa vụ của hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm giữ vững các thị trường lớn, thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới.
Các tỉnh trong vùng quy hoạch cũng xây dựng các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, liên kết với nhau cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung và rải vụ cây ăn quả theo quy hoạch.
Nam Bộ hiện có 415.800ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn/năm, chiếm hơn 53% về diện tích và 57% về sản lượng trái cây trong nước.
(Theo vietnamplus.vn)