Công ty BVTV An Giang vẫn chưa hỗ trợ cho người trồng lúa
Ngày 8-4, ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) cho biết, đến nay Công ty Bảo vệ thực vật An Giang chưa chịu hỗ trợ cho người dân trồng lúa trong Cánh đồng mẫu lớn; sau khi xảy ra sự cố công ty cung cấp giống, phân, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật nhưng thu hoạch năng suất thấp bất thường.
Theo ông Quang, phía Công ty cũng chẳng liên hệ để cùng xã giải quyết khó khăn cho bà con nông dân. Bởi, quanh năm nông dân chỉ sống nhờ trồng lúa, nhưng bị rủi ro như thế này thì họ gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, người dân rất bức xúc và đòi gửi đơn thưa công ty ở nhiều nơi. Nhưng chính quyền xã đã kịp thời can thiệp và hứa cố gắng làm trung gian để giải quyết sớm cho bà con. Vì vậy, người dân không gửi đơn nữa mà chờ phía công ty xuống giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết: Chúng tôi có làm đề nghị công ty hỗ trợ năng suất lúa bằng 7,2 tấn/ha theo yêu cầu của 32 hộ ở xã Hậu Mỹ Bắc B. Công ty chấp nhận và hứa sẽ giải quyết sớm trong 1 hoặc 2 ngày tới. Số lượng nông dân còn lại chưa đồng ý thì phía công ty và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động để hỗ trợ ổn thỏa, hài hòa lợi ích của 2 bên.
Trước đó, trong vụ lúa đông xuân 2013-2014, nhiều hộ nông dân trồng lúa Jasmine trong mô hình Cánh đồng mẫu lớn ở xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) thu hoạch năng suất rất thấp. Các ngành chức năng vẫn chưa xác định nguyên nhân là do đâu. Nhưng trong quá trình trồng, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang ký hợp đồng đầu tư giống, chỉ định phân, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch.
Tuy nhiên, sau khi thu hoạch xong, năng suất thấp bất thường, bông lúa cho ra hạt lép rất nhiều. Trong khi những diện tích bên ngoài mô hình lại cho năng suất rất cao (từ 9 đến trên 10 tấn/ha). Sau đó, công ty yêu cầu hỗ trợ những nông dân thu hoạch có năng suất thấp hơn 7,2 tấn/ha thì hỗ trợ cho bằng 7,2 tấn/ha. Nhưng nông dân không chấp nhận.
Tại buổi đối thoại với ngành chức năng, nông dân đòi phải hỗ trợ cho bằng 8,2 tấn/ha và mua 5.300 đồng/kg lúa khô thì họ mới chấp nhận. Đến nay, vụ việc chưa được giải quyết, công ty “lặn mất tăm” khiến nông dân bức xúc.
SĨ NGUYÊN